|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Áp dụng công nghệ số trong xuất nhập khẩu: Giải pháp cho doanh nghiệp trong hoàn cảnh COVID-19

14:20 | 28/07/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn thế giới, việc áp dụng công nghệ số trong xuất khẩu nhập được coi là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ hiệp định EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết việc áp dụng công nghệ số trong xuất nhập khẩu ngày càng trở nên phổ biến. 

"Cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới", Thứ trưởng cho biết.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).

Trong 6 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu. 

Dịch bệnh kéo theo các hệ lụy đối với hoạt động kinh tế như thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tình hình khan hiếm nguyên liệu do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn; các vấn đề về tài chính do gián đoạn sản xuất.

Số liệu 6 tháng đầu năm đã cho thấy xuất nhập khẩu đã chịu ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19. Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

“Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, đây cũng thực sự là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định.

Theo ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, Đại lý Ủy quyền chính thức của Alibaba.com nhận định trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp như hiện nay, vai trò của áp dụng công nghệ số trở nên quan trọng và là xu thế tất yếu.

Áp dụng công nghệ số trong xuất nhập khẩu: Giải pháp cho doanh nghiệp trong hoàn cảnh COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, Đại lý Ủy quyền chính thức của Alibaba.com. Ảnh: Đức Quỳnh

"Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay, doanh nghiệp không có lựa chọn thứ hai ngoài xuất khẩu trực tuyến. Bản thân chúng tôi nghiên cứu thấy rằng các chỉ số doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên nền tảng Alibaba thời gian gần đây tăng trưởng rất tốt. 

Giai đoạn tháng 12 năm ngoái, nhiều khách nước ngoài không hỏi được mua hàng từ Trung Quốc đã chuyển hướng sang Việt Nam", ông Toản nói. 

Xét trên phạm vi toàn thế giới, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Quốc gia Amazon Global Selling cho biết doanh thu thương mại điện tử sẽ vượt 3,3 nghìn tỉ USD trong năm 2020. 

Áp dụng công nghệ số trong xuất nhập khẩu: Giải pháp cho doanh nghiệp trong hoàn cảnh COVID-19 - Ảnh 2.

Doanh thu thương mại điện tử toàn cầu sẽ vượt 3,3 nghìn tỉ USD trong năm 2020. Ảnh: Đức Quỳnh

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử vượt xa tốc độ tăng trưởng của bán hàng offline.

Theo Báo cáo Kinh tế số 2019 của UNCTAD, kinh tế số chiếm khoảng 4,5% -15,5% GDP toàn cầu. 

Nhiều công nghệ tiên phong đã thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh, bao gồm blockchain, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, in ba chiều, Internet vạn vật, robot và tự động hoá, điện toán đám mây.

Ba thành phần trụ cột tạo nên nền kinh tế số là các nền tảng số (digital platform), dữ liệu số (digital data) và thương mại điện tử.

Thực tế cho thấy có doanh nghiệp thành công và coi các nền tảng hỗ trợ xuất khẩu là kênh quan trọng, trong khi nhiều doanh nghiệp khác chưa thấy hiệu quả. Các diễn giả sẽ trao đổi đâu là những yếu tố quyết định thành công hay thất bại khi xuất khẩu trực tuyến.

Với sự tiến bộ vượt bậc của CNTT, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng nước ngoài. 

Hơn nữa, nhờ công nghệ dữ liệu lớn, họ có thể dễ dàng phân tích chính xác hành vi của người tiêu dùng ở mọi thị trường, chăm sóc khách hàng, tiếp thị đúng đối tượng với chi phí thấp… 

Cơ hội là ngang nhau nhưng thành công là khác biệt giữa các quốc gia và các doanh nghiệp trong từng quốc gia. 

Câu chuyện thành công khi xuất khẩu trực tuyến (B2B) trên nền tảng Alibaba hay bán lẻ trực tuyến qua biên giới (B2C) trên nền tảng Amazon là bài học chung cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Toản cũng chỉ rằng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một số hạn chế trong năng lực cạnh tranh. Rất nhiều doanh nghiệp hoạt động tích cực, sản phẩm tốt nhưng giá thành của họ cao hơn các nước khác. 

Ông Toản nhận định doanh nghiệp cần có chiến dịch tốt, có gian hàng chuyên nghiệp và có thật nhiều sản phẩm. 

"Số lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trên nền tảng Alibaba chỉ bằng 50% của các doanh nghiệp nước ngoài khác. 

Nhưng lượng hỏi hàng đối với doanh nghiệp Việt Nam lại ở top đầu. Do đó, dư địa cho doanh nghiệp Việt còn rất nhiều và cần tăng thêm số lượng sản phẩm trên gian hàng", ông Toản nói.

H.Mĩ

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.