Xuất nhập khẩu hậu COVID-19: Đón luồng gió mới từ hiệp định EVFTA
Với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao nhất trong số các hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây của Việt Nam, hiệp định giữa Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong hiệp định EVFTA sẽ tạo động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh.
Cú huých tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa
Báo cáo của Bộ Công Thương giải đáp các câu hỏi của Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV cho thấy dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu của không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA còn được khẳng định sẽ mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh.
Phân tích cụ thể hơn về hiệp định này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết EVFTA khi được thực thi sẽ là cú hích quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường hơn 500 triệu dân này.
“Với các kết quả đàm phán đã đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 tạm thời lắng xuống,” ông Thái nói.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ riêng về xuất khẩu, hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định…
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng sẽ có tăng trưởng cao, đơn cử như gạo có thể tăng thêm 65% vào năm 2025, đường tăng 8%,thịt lợn tăng 4%, lâm sản tăng 3%, thịt gia súc gia cầm tăng 4%. Ngoài ra, trong nhóm ngành chế biến chế tạo như: dệt tăng 67%, may mặc tăng 81% và da giày tăng 99%...
Ở góc độ khác, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc thực thi EVFTA là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh.
Thực tế thời gian qua, doanh nghiệp trong nước còn loay hoay tại thị trường châu Âu do cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Theo đó, giá sản phẩm của Việt Nam thường cao hơn 10-20% so với nước bạn, do vậy, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại EU còn khiêm tốn.
Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới. Hàng năm, EU nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2% với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Do đó, ông Trần Thanh Hải cho rằng với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là khi Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19.
Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội, chủ động hơn so với các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia khác vẫn đang phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh:
“Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì Việt Nam cũng sẽ có thêm những thuận lợi hơn nữa trong việc tiếp cận thị trường khi mà hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang khu vực này trong lộ trình từ 7-10 năm thì thuế suất sẽ được đưa về 0%,” ông Trần Thanh Hải nói.
- Trao đổi thương mại Việt Nam-EU tăng 13,7 lần trong giai đoạn từ năm 2000-2019:
Ở chiều nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU.
Như vậy, giai đoạn hậu dịch bệnh, nếu Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã có trong tay lợi thế rất lớn từ việc giảm hay xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường 18.000 tỷ USD này.
Tạo lợi thế cạnh tranh
Hiệp định EVFTA quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy; hàng hóa được gia công hoặc chế biến đáng kể và quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR).
Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép Việt Nam và các nước thuộc EU được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước thành viên khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ EVFTA.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin thêm nhiệm vụ lớn nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu vào EU khi thực thi hiệp định EVFTA là xuất xứ hàng hóa.
Hiện dự thảo Thông tư về xuất xứ hàng hóa đã được hoàn thiện, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân chỉ chờ bấm nút thông qua; trong đó một số lợi thế về điều khoản “cộng gộp” được quy định trong EVFTA mà doanh nghiệp cần biết để có thể tận dụng được tối đa các lợi thế của hàng hóa, sản phẩm Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.
Các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU và ngược lại cần đọc kỹ các quy định này đã được ghi rõ trong hiệp định đồng thời cần phải cập nhật những nội dung mới, như cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.
Đây là cơ chế mà nhà xuất khẩu tự khai xuất xứ của sản phẩm trong bộ tài liệu nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu thay vì phải xin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O truyền thống) từ các cơ quan chức năng.
Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu từ EU-với lô hàng có trị giá dưới 6.000 EUR, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng có thể tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 EUR, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện (Approved exporters) mới được tự chứng nhận xuất xứ.
Hiện nay, EU đang xây dựng hệ thống nhà xuất khẩu đăng ký (Registered exporters)-là hệ thống cho phép nhà xuất khẩu chỉ cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền là có thể tự chứng nhận xuất xứ. Khi hệ thống này hoàn thiện và được áp dụng, EU sẽ thông báo cho Việt Nam trước khi thực hiện.
Theo ông Lương Hoàng Thái, khác với mô hình Mỹ chuyên bảo hộ các doanh nghiệp khủng, EU là mô hình bảo vệ chỉ dẫn địa lý tới hộ gia đình, đây chính là mô hình phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (SMEs).
Thêm nữa, các cam kết phát triển bền vững mà Việt Nam đã thể hiện trong Hiệp định EVFTA cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam tới đây sẽ không còn phải quá bận tâm để đi xin các chứng chỉ kỹ thuật như đã từng diễn ra trong quá khứ với các hiệp định thương mại.
“Điều này cũng có nghĩa các cam kết của EVFTA được các chuyên gia xem là hoàn toàn có thể lan tỏa tới cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần tạo ra sự ổn định về kinh tế và xã hội, tránh được bài học xung đột lợi ích như đã xảy ra ở nhiều nước,” ông Lương Hoàng Thái chia sẻ thêm.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. |