|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVFTA: Cơ hội lớn nhưng không phải mọi thứ đều có trên bàn tiệc

15:06 | 05/06/2020
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng mặc dù cơ hội từ thị trường EU lớn nhưng "điều này không có nghĩa chúng ta có ngay mọi thứ trên bàn tiệc".

Dư địa còn lớn nhưng áp lực còn lớn hơn

Tại Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp SME tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết EU là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn thứ hai thế giới. Mỗi năm họ nhập khẩu 2.400 tỉ USD. 

EVFTA: Cơ hội lớn nhưng không phải mọi thứ đều có trên bàn tiệc - Ảnh 1.

Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp SME tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA. Ảnh: Đức Quỳnh

Xuất khẩu của Việt Nam mặc dù rất nhanh thời gian qua đạt 41 tỉ USD nhưng thị phần xuất khẩu sang châu Âu mới chỉ dừng lại khoảng 2% và đứng thứ 7 trong các đối tác của thị trường này. 

"Điều đó cho thấy dư địa còn rất lớn cho Việt Nam bởi nhìn vào cơ cấu ngành hàng chúng ta có năng lực cạnh tranh, sản xuất, xuất khẩu từ dệt may, đồ gỗ, điện tử... 

Tuy nhiên, thuế suất của Việt Nam thường dao động 10 - 30%. Điều này có nghĩa là năng lực cạnh tranh của chúng ta thấp hơn so với các đối tác châu Âu", Bộ trưởng nhận định. 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với mức cắt giảm như hiện nay chúng ta có lợi thế và hướng tới thị phần lớn hơn nữa và giá trị gia tăng cao. 

"Tuy nhiên điều này không có nghĩa chúng ta có ngay mọi thứ trên bàn tiệc", Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Thị trường châu Âu có những yêu cầu rất khắt khe và đảm bảo kĩ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và yếu tố khác.

Ví dụ như thủy sản, thời gian qua chúng ta có nhiều tiềm năng để phát triển tại thị trường châu Âu nhưng bởi vì chúng ta đang bị thẻ vàng. Nói như vậy để thấy là chúng ta đang bị áp lực rất lớn về các điều kiện", Bộ trưởng nhận định. 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết một số doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có qui mô lớn và kinh doanh bài bản vào thị trường EU. 

Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu vào EU là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, qui trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu... 

Đồng thời các doanh nghiệp thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kĩ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU.

Doanh nghiệp cần làm gì để tận dụng EVFTA?

Trong thời gian tới, ông Hải cho rằng một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. 

Ông Hải cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và qui trình quản lý do EU qui định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo qui tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi của EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung của EVFTA đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và qui tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh qui trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được qui tắc xuất xứ của Hiệp định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA.

Đối với doanh nghiệp SME, cần coi EVFTA là khởi đầu một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. 

Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. 

Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp SME Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

H.Mĩ