|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVFTA và câu chuyện năng lực phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt

21:38 | 02/06/2020
Chia sẻ
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang được Quốc hội xem xét phê chuẩn, đánh dấu một bước tiến lớn của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Thống kê từ Bộ Công Thương, tính cả EVFTA Việt Nam đã có 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực; trong đó có các FTA thế hệ mới với kỳ vọng không chỉ giảm thuế mà cả phát triển đầu tư, dịch vụ và khoa học công nghệ.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, các biện pháp phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp.

Đây là các công cụ hợp pháp, hiệu quả hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước khi phải cạnh tranh với sự gia tăng của hàng nhập khẩu cũng như hàng nhập khẩu phá giá, trợ cấp.

Tính đến nay, EU đã điều tra 14 vụ việc phòng vệ thương mại gồm 6 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đứng thứ 5 trong số các nước điều tra và chiếm khoảng 8% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam.

Các sản phẩm bị điều tra bao gồm giày mũ da, ống thép, ốc vít, xe đạp, sợi, thép, xe tay nâng, bật lửa ga, vòng khuyên kim loại, đèn huỳnh quang, ô xít kẽm, mỳ chính. Hiện nay, chỉ có biện pháp tự vệ với thép (2018) là đang còn hiệu lực.

Cùng với đó, chương về các biện pháp phòng vệ thương mại tại Hiệp định EVFTA bao gồm các điều khoản liên quan đến việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại truyền thống trong WTO (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ).

Về cơ bản, nội dung phòng vệ thương mại dựa trên các quy định của WTO, đồng thời bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ “phòng vệ” hợp pháp, tiến bộ, đảm bảo hiệu quả của việc tham gia Hiệp định.

Đáng lưu ý, điểm mới của phòng vệ trong EVFTA tập trung vào việc bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ này để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch.

Các quy định này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài ra, EVFTA quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại (trong khi WTO không bắt buộc sử dụng quy tắc này).

Một điểm đáng lưu ý là theo cam kết EVFTA, hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích công cộng.

Tức là bên cạnh việc xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước thì nước điều tra cũng cần xem xét tình hình, quan điểm của nhà nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức đại diện người tiêu dùng và các doanh nghiệp hạ nguồn.

Hơn nữa, EVFTA cũng quy định về cơ chế tự vệ song phương. Để đảm bảo việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định không gây ra các cú “sốc” đối với các ngành sản xuất trong nước, Hiệp định EVFTA quy định cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm.

Từ đó, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo được quyền lợi của các bên được sử dụng công cụ tự vệ chính đáng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước nếu có thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại do việc cắt giảm thuế quan từ Hiệp định.

Theo Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, đánh giá được yêu cầu về việc tăng cường năng lực phòng vệ thương mại khi gia nhập các Hiệp định thương mại thế hệ mới, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động chuẩn bị tích cực.

Cụ thể, việc kiện toàn bộ máy cơ quan điều tra, tháng 8 năm 2017, Bộ Công Thương đã thành lập Cục Phòng vệ thương mại chuyên trách các hoạt động về lĩnh vực phòng vệ thương mại để có điều kiện triển khai mạnh mẽ hoạt động này hơn so với giai đoạn trước đó.

Cơ quan điều tra cũng ngày càng được hoàn thiện, cơ cấu tổ chức để đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý, với sự ra đời của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn về các biện pháp phòng vệ thương mại (Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 1 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại và Thông tư 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại), Việt Nam đã hoàn thiện tương đối đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý cho các hoạt động điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, Bộ Công Thương dự kiến sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo EVFTA.

Không những thế, việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã và đang lên kế hoạch triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về pháp luật phòng vệ thương mại nói chung và các quy định về phòng vệ thương mại theo Hiệp định EVFTA nói riêng.

Nhằm tiếp tục đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tháo gỡ khó khăn đối với các rào cản xuất khẩu và nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp và các Hiệp hội trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, ngày 19 tháng 5 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương dự kiến sẽ xây dựng Cẩm nang thông tin về phòng vệ thương mại trong bối cảnh EVFTA có hiệu lực để cung cấp thông tin một cách rộng rãi và có hệ thống tới các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại của Việt Nam qua việc đào tạo và tư vấn hỗ trợ pháp lý đối với các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sử dụng và ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên Bộ nhằm tăng cường hiệu quả điều tra và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, Bộ cũng triển khai Đề án “Đẩy mạnh áp dụng Hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại”, tạo cơ sở dữ liệu cảnh báo hiệu quả cho doanh nghiệp về khả năng bị điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, danh sách cảnh báo được xây dựng và cập nhật thường xuyên để doanh nghiệp có thể linh hoạt xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.

Trên cơ sở theo dõi, cập nhật số liệu xuất khẩu của Việt Nam, các vụ việc phòng vệ thương mại EU tiến hành điều tra với các nước, Bộ nghiên cứu dự báo các nguy cơ về tranh chấp thương mại, các hoạt động gian lận thương mại, gian lận xuất xứ đối với một số sản phẩm có nguy cơ bị điều tra.

Mặt khác, Bộ tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ trong thương mại quốc tế. Đặc biệt, xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU trong các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan.

Uyên Hương