Tăng cường năng lực phòng vệ thương mại trước thềm EVFTA phê chuẩn
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang được Quốc hội xem xét phê chuẩn, đánh dấu một bước tiến lớn của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Tính cả EVFTA, Việt Nam đã có 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, trong đó có các FTA thế hệ mới với kì vọng không chỉ giảm thuế mà cả phát triển đầu tư, dịch vụ và khoa học công nghệ...
Mức độ cắt giảm thuế quan đã bao trùm đến 80% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và là một động lực kinh tế quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Nhờ đó, trong bối cảnh nhiều nước suy giảm kinh tế và xuất nhập khẩu do dịch bệnh COVID-19 thì Việt Nam vẫn duy trì được tình trạng xuất siêu và xuất nhập khẩu có tín hiệu hồi phục tốt.
Tuy vậy, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh cũng như tình hình kinh tế thế giới nói chung, Bộ Công Thương cho rằng cần có những hành động hỗ trợ xuất khẩu bền vững đồng thời giám sát nhập khẩu tránh để gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.
Theo đó, ngày 19/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã kí ban hành Quyết định số 1347/QĐ-BCT Triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Quyết định số 1347 sẽ tập trung vào một số nhóm hoạt động gồm đào tạo về kiến thức từ tổng quát đến chuyên sâu trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp; cung cấp thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay cho các Hiệp hội, ngành sản xuất trong nước.
Đồng thời hoàn thiện thể chế về phòng vệ thương mại theo hướng hiệu quả, tinh giản và phù hợp với các diễn biến mới; tăng cường công tác thực thi các qui định về phòng vệ thương mại.
Các hoạt động triển khai Quyết định này sẽ được Bộ Công Thương thực hiện ngay trong năm 2020 và sẽ tiếp tục thực hiện trong các năm tới nhằm đảm bảo các ngành sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm vững các công cụ về phòng vệ thương mại, có thể bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và nâng cao hiệu quả của tiến trình tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.