EVFTA giúp Việt Nam tránh phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường
Thẩm tra việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), trong ngày làm việc đầu tiên Kì họp thứ 9 sáng 20/5, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 2,18 đến 3,25%, cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện; tăng thêm 4,57 - 5,30% và 7,07 - 7,72% cho các giai đoạn 5 tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, so với WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam kí kết thì EVFTA được coi là FTA thế hệ mới, ngoài những cam kết về thương mại hàng hóa và dịch vụ với mức độ cắt giảm thuế cao còn phải cam kết các lĩnh vực được coi là phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, minh bạch hóa.
Hiện tại, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Vì thế, thông qua EVFTA, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỉ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.
Khác với thị trường Trung Quốc, ASEAN (2 trong 6 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam), hàng hóa xuất - nhập khẩu 2 chiều Việt Nam - EU chủ yếu mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau.
Vì vậy, ông Giàu cho rằng, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030.
Trong đó tập trung vào nhóm hàng nông sản như gạo, đường, thịt heo, thịt gia súc gia cầm, lâm sản, đồ uống và thuốc lá; chế biến, chế tạo (dệt, may mặc, da giày); nhóm ngành dịch vụ như vận tải thủy, vận tải hàng không, tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác.
Ở chiều ngược lại, thực thi EVFTA, Việt Nam dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm.
“EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam”, ông Giàu nhấn mạnh.
Ngoài ra, thực thi Hiệp định này dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỉ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2020 - 2030.
Tuy nhiên Báo cáo Thẩm tra đề nghị Chính phủ cần dự báo xu hướng phát triển kinh tế quốc tế; đề ra các giải pháp xử lí để đảm bảo an ninh chính trị, an ninh kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Chính phủ, các bộ ngành cần cập nhật và đánh giá cụ thể hơn tác động tích cực và tiêu cực của Hiệp định đến các ngành, lĩnh vực để có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, tận dụng tốt các cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ Hiệp định, đồng thời có chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng từ Hiệp định.
"Việc áp dụng tự động hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ có ảnh hưởng đến nhóm ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Cần đánh giá cụ thể hơn cả tác động tích cực, tiêu cực và nhìn nhận lại năng lực của Việt Nam để có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, phát huy thế mạnh để tận dụng cơ hội và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, có chính sách hỗ trợ phù hợp", ông Giàu nhấn mạnh.
Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cũng lưu ý việc bảo đảm các nghĩa vụ, cam kết trong khuôn khổ các hiệp định được thực thi một cách đầy đủ, hạn chế phát sinh tranh chấp, khiếu kiện mà Việt Nam là bị đơn.
“Việc Việt Nam kí và phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch COVID-19 qua các thị trường CPTPP và EU”, ông Giàu cho hay.