|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phê chuẩn EVFTA đúng thời điểm, tạo đà khôi phục kinh tế hậu COVID-19

10:13 | 20/05/2020
Chia sẻ
Nếu như Quốc hội có Nghị quyết ban hành vào cuối tháng 5/2020 thì hai bên sẽ xác định ngày có hiệu lực của Hiệp định EVFTA sau đó khoảng 2 tháng.

Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, ngay ngày làm việc đầu tiên của Kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (ngày 20/5), Quốc hội sẽ chính thức xem xét, thảo luận, tiến tới phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). 

Báo cáo giải trình của Chính phủ đã được trình Quốc hội tập trung vào 2 nội dung quan trọng nhất. Thứ nhất là các vấn đề pháp lí cần xử lí để có thể hoàn thành nghĩa vụ đặt ra trong hiệp định; thứ hai là những chương trình, bước đi cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện, từ đó đưa Hiệp định vào cuộc sống.

Việc quyết định phê chuẩn Hiệp định thuộc thẩm quyền Quốc hội. Theo qui trình của Quốc hội, sẽ có bước là ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước khi hoàn thành quá trình phê chuẩn.

Tiếp theo, hai bên sẽ chính thức xác nhận với nhau về thời điểm Hiệp định có hiệu lực qua kênh ngoại giao. Theo đó, Hiệp định có hiệu lực ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi có Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội và văn bản trao đổi qua kênh ngoại giao. 

"Hiện nay chúng ta đang thúc đẩy bàn với EU để Hiệp định được thực thi sớm nhất. Nếu như Quốc hội có Nghị quyết ban hành vào cuối tháng 5/2020 thì hai bên sẽ xác định ngày có hiệu lực của Hiệp định sau đó khoảng 2 tháng", Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.

Chia sẻ về những lợi ích mà EVFTA mang lại, Vụ Chính sách thương mại đa biên thông tin theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, những ngành hiện nay có thể tận dụng sớm cơ hội mà EVFTA mang lại là dệt may, giày dép, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, thủy sản…

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong vòng 5 năm đầu thực hiện, hiệp định có thể đóng góp vào nền kinh tế tăng thêm khoảng từ 2,18 - 3,25%, tức là xung quanh 0,5 điểm phần trăm GDP/năm. Đây là tác động lớn hơn nhiều so với tất cả các FTA trước đây mà chúng ta đã tham gia, kể cả so với Hiệp định CPTPP mà Quốc hội phê chuẩn trước đây.

“Chúng ta hi vọng hiệp định này sẽ thúc đẩy quan hệ dài hạn giữa hai bên. Hiệp định kì vọng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới", ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh.

Theo đó, hiện nay, các nước đều đang trong quá trình nỗ lực để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh đối phó với những thay đổi của đại dịch COVID-19, xu hướng này diễn ra mạnh hơn.

"Thời gian tới, chúng ta không chỉ kì vọng ở một số mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày mà sẽ vươn lên những mặt hàng khác với hàm lượng công nghệ cao hơn.

Diễn biến của dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến nhiều nước trên thế giới ưu tiên nâng cao nội lực để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài. Vào thời điểm này, kể cả xu hướng đó gia tăng thì EVFTA vẫn giữ được vị thế của mình", Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên chia sẻ.

Lý giải thêm về điều này, ông Thái cho hay, kể cả trước đây, khi đại dịch chưa xảy ra thì các nước cũng đã đặt vấn đề là nội lực đóng vai trò quyết định. Nhưng để tận dụng được nội lực thì yếu tố quan trọng là chúng ta phải tận dụng được cơ hội ngoại lực đem lại. 

Trong nền kinh tế thế giới hiện nay, không nền kinh tế nào có thể đứng độc lập. Điều này thúc đẩy việc thiết kế lại chuỗi cung ứng hiện tại chứ không thể chấm dứt hoàn toàn việc các nước phụ thuộc lẫn nhau về chuỗi cung ứng. 

Nói cách khác, sự phụ thuộc lẫn nhau là xu thế không thể đảo ngược. Rõ ràng chuỗi cung ứng có thể thay đổi nhưng đối tác nào có thể đi đầu trong việc xây dựng chuỗi cung ứng có tính đảm bảo, tin cậy lẫn nhau thì chuỗi cung ứng đó sẽ tiếp tục được củng cố và tăng cường.

Như Huỳnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.