EVFTA dự kiến được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 20/5
Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo qui định của Hiệp định là sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Quốc hội dự kiến sẽ họp về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA vào ngày 20/5 tới đây, ngày đầu tiên của Kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Để phục vụ cho việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại Kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước hoàn thiện Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội cũng như chuẩn bị các nội dung có liên quan để đưa vào bộ hồ sơ chính thức trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Cụ thể, về công tác trình Chính phủ hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương đã sớm phối hợp, lấy ý kiến các Bộ ngành để chuẩn bị hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA từ cuối năm 2019.
Do vậy, ngay từ những ngày đầu năm 2020, Bộ Công Thương về cơ bản đã hoàn thiện Bộ hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA và trình lấy ý kiến Chính phủ. Bộ Công Thương cũng tích cực làm việc với Bộ Tư pháp để cập nhật Chính phủ kết quả rà soát pháp luật phục vụ cho việc thực thi Hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động theo sát tình hình phê chuẩn của EU và việc Anh rời EU, từ đó cập nhật kịp thời những thay đổi liên quan tới công tác phê chuẩn Hiệp định EVFTA của Việt Nam.
Đồng thời tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ trong quá trình dự thảo và hoàn thiện Tờ trình của Chính phủ gửi Chủ tịch nước về việc phê chuẩn EVFTA.
Về công tác trình Chủ tịch nước hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA, ngày 6/4/2020, Chính phủ đã trình hồ sơ này lên Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội.
Để phục vụ cho công tác thẩm tra hồ sơ của Chủ tịch nước, ngày 8/4, Bộ Công Thương đã gửi Văn phòng Chủ tịch nước một số thông tin, tài liệu bổ sung cho bộ hồ sơ trình phê chuẩn.
Trên cơ sở bộ hồ sơ Bộ Công Thương dự thảo và Chính phủ trình, ngày 18/4, Chủ tịch nước đã trình Quốc hội việc xem xét phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Về công tác trình Quốc Hội hồ sơ phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng Quốc hội chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cung cấp thông tin giới thiệu và giải thích về Hiệp định EVFTA phục vụ cho việc thẩm tra của Quốc hội.
Bao gồm để phục vụ cho việc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội thẩm tra phê chuẩn Hiệp định EVFTA, ngày 9/4, Bộ Công Thương đã gửi Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bộ hồ sơ trình phê chuẩn với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Điều ước quốc tế 2016, cũng như cung cấp các thông tin giới thiệu, giải thích về Hiệp định EVFTA.
Để phục vụ cho phiên họp thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra vào ngày 16/4, Bộ Công Thương đã gửi nội dung báo cáo về “Một số nội dung chủ yếu đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA” vào ngày 10/4. Báo cáo này do Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế Trần Quốc Khánh trình bày.
Ngày 20/4/2020, trên cơ sở dự thảo do Bộ Công Thương chuẩn bị, Chính phủ đã gửi Báo cáo thuyết minh về Hiệp định EVFTA lên Quốc hội.
Ngoài ra để phục vụ cho phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khai mạc vào ngày 20/4), Bộ Công Thương đã chủ động và tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước hoàn thiện bộ hồ sơ chính thức trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA vào ngày 21/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã trực tiếp báo cáo, giải trình và trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Trước đó ngày 12/2 năm 2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA với tỉ lệ 63,35% số phiếu tán thành (401 phiếu tán thành, 192 phiếu phản đối và 40 phiếu trắng). Ngày 30/3/2020 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lí cuối cùng theo qui trình phê chuẩn nội bộ của EU.
Theo thủ tục nội bộ của EU, EVFTA cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và sau đó được Hội đồng châu Âu kí duyệt để có hiệu lực.