Thực thi EVFTA: Doanh nghiệp cần biết cách bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình
Hiệp định thương mại tư do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7 tới đây sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Hiệp định sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam gia tăng sản xuất, xuất khẩu… song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về xung đột thương mại.
160 vụ kiện phòng vệ thương mại
Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến hết tháng 3/2020, đã có gần 160 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Trong số đó, các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU,... điều này sẽ là nguy cơ tiềm ẩn xung đột thương mại khi EVFTA chuẩn bị thực thi.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM cho biết, các biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đã được WTO và các Hiệp định FTA cho phép sử dụng, để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế (hàng nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp), cũng như ngăn chặn việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước.
Với các FTA có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA, áp lực cạnh tranh đối với các DN trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn, do vậy nhu cầu sử dụng các công cụ PVTM càng trở nên cần thiết.
Đại diện Cục PVTM cũng cho hay, cho đến nay, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 9 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc lẩn tránh biện pháp tự vệ. Số lượng vụ việc trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng.
“Gia tăng các vụ việc PVTM không chỉ thể hiện mức độ cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước, điều này còn cho thấy năng lực của DN trong việc chủ động lựa chọn sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ lợi ích chính đáng”, ông Dũng tiên nhận định.
Bên cạnh đó, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại rất lớn, nên không loại trừ nguy cơ một số DN sẽ tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp PVTM mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính. “Các hoạt động PVTM cần tập trung vào cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này”, Cục trưởng Cục PVTM chỉ rõ.
Chủ động để ứng phó với các xung đột
Để giúp các DN Việt Nam có thể tự tin, trụ vững trước những nguy cơ, thách thức về xung đột thương mại khi EVFTA được thực thi, đại diện Cục PVTM cho biết, đã tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp PVTM áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kể cả các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM.
“Hàng tuần, Cục đều có bản tin cảnh báo sớm đăng tải công khai, đồng thời gửi các Hiệp hội để phổ biến thông tin cho các DN.
Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM, nhằm hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam trong việc chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM, từ đó bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình”, ông Dũng cho biết.
Có thể thấy, thời gian qua với những động thái chủ động từ phía các cơ quan quản lý cũng như các DN đã “vượt rào” thành công nhiều sự vụ liên quan đến PVTM.
Đơn cử, Việt Nam đã kháng kiện thành công đối với 57/137 vụ việc (không áp dụng biện pháp/không gia hạn áp dụng biện pháp), chiếm tỷ lệ khoảng 42%.
Nhiều mặt hàng của xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cá basa, tôm,…tiếp tục được xuất khẩu sang Mỹ, EU… với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp. Việt Nam cũng đã khiếu kiện 5 vụ việc PVTM ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, với 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực đấu tranh trên phương diện pháp lý, bằng cách kiến nghị Chính phủ đưa các vụ kiện ra Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Bộ Công Thương hiện đang chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng như các DN xử lý thành công 2 vụ việc tranh chấp tại WTO, liên quan đến thuế chống bán phá giá với cá tra và Chương trình Giám sát cá da trơn của Mỹ.
“Các nỗ lực này đã góp phần tạo cơ sở để Mỹ đã công nhận hệ thống kiểm tra cá da trơn của Việt Nam đáp ứng điều kiện tương đương với tiêu chuẩn của Mỹ, đảm bảo cá basa được xuất khẩu ổn định sang thị trường này”, Cục trưởng Cục PVTM nêu rõ và khuyến cáo các DN xuất khẩu của Việt Nam cần tìm hiểu kỹ quy định pháp luật, thực tiễn điều tra PVTM của các nước xuất khẩu, từ đó chủ động ứng phó có hiệu quả.
Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu cũngkhông nên phụ thuộc quá vào một thị trường, cần chủ động thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/