|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bài toán thiếu kho lạnh: Miếng bánh ngon đang còn bỏ dở?

18:31 | 07/06/2021
Chia sẻ
Việc đầu tư vào kho lạnh được xem là mảng khá tiềm năng bởi hiện tại cung đang thiếu so với cầu. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp chế biến tự chủ động đòi hỏi số vốn đầu tư lớn và nguồn hàng thường xuyên để tiết tận dụng tối đa nguồn tài nguyên của kho lạnh.

Thiếu kho lạnh ngay trong thời gian cao điểm

Theo Công ty Tư vấn bất động sản toàn cầu (JLL), xu hướng người tiêu dùng chuyển sang ‘đi chợ’ trực tuyến đang thúc đẩy nhu cầu đối với kho lạnh chứa hàng, phân khúc vốn đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng ở tất cả các nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, điển hình là lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, lớn thứ ba trên thế giới, và cũng là ngành chiếm nhiều diện tích kho lạnh nhất. 

“Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch, 30% đến 50% đơn đặt hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy dẫn đến hàng tồn kho leo thang và các kho lạnh phải hoạt động công suất tối đa,” theo bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL nhận định.

Đối với ngành rau quả, trao đổi với người viết ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết hiện tại nhu cầu kho lạnh ở các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hàng đông lạnh rất bức thiết.

“Năm nay do tình hình dịch COVID-19 nên doanh nghiệp không thể xuất hàng đi trong khi đang ở thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch nhiều loại hoa quả, dẫn đến tồn kho còn rất nhiều. Điều này khiến nhu cầu kho lạnh tăng cao”, ông Nguyên cho biết.

Ông Nguyên cho rằng nếu tình trạng thiếu kho lạnh như hiện nay vẫn tiếp diễn, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn thu mua hoa quả của người dân, nhất là trong giai đoạn thu hoạch như hiện nay. 

Theo trang Climate Links, việc không bảo quản rau quả sau thu hoạch ở nhiệt độ thích hợp có thể dẫn đến tỷ lệ thất thoát lên tới 30 - 50%.

Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt sản lượng trái cây trong năm nay dự kiến thu hoạch gần 14 triệu tấn. Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9,5 so với cùng kỳ năm 2020. Sản ượng vải 2021 tại 3 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên ước đạt 250 nghìn tấn, trong đó 50% khối lượng cần được xuất khẩu.

Tại một hội nghị về thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết khi đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực ngày càng cao đối với chi phí lưu kho, nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản và vốn ứ đọng hàng hóa.

Tại sao doanh nghiệp chế biến không tự xây kho lạnh?

Câu trả lời chính là nguồn cung hàng hóa trữ trong kho lạnh không thường xuyên bởi rau quả chỉ có tính thời vụ.

Theo ông Nguyên: “Nếu nhu cầu tích trữ rau quả kho lạnh thường xuyên thì doanh nghiệp mới đầu tư. Nhưng nếu một năm mới có vài vụ thu hoạch rau quả thì hiệu quả kinh tế việc đầu tư kho lạnh không cao. Bởi những thời điểm không có hàng để tích trữ, doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bảo trì, lãi ngân hàng, bảo vệ, nhân viên vận hành…”

Hiện nay, có 3 nguồn cung kho lạnh chủ yếu. Đầu tiên là doanh nghiệp chế biến tự đầu tư; thứ hai là doanh nghiệp đầu tư chuyên về khô lạnh để cho thuê và cuối cùng là kho ở các hợp tác xã. 

Trong đó, loại hình doanh nghiệp chế biến tự đầu tư kho lạnh tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp thủy sản bởi nhu cầu trữ hàng đông lạnh lúc nào cũng có. 

Điển hình như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn chi 160 tỷ đồng cho hoàn thành và đầu tư mới kho lạnh tại Vĩnh Phước trong năm 2020.

Hay với Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng đã đầu tư kho lạnh 6.000 tấn, tọa lạc trong khuôn viên Nhà máy Thực phẩm An San thuộc Khu công nghiệp An Nghiệp.

Do đó, khi xảy ra tình trạng thiếu kho lạnh như hiện nay doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản không chịu ảnh hưởng nhiều giống như doanh nghiệp chế biến rau quả.  

Ngoài ra, theo bà Trang, chi phí đầu tư kho lạnh cao gấp hai đến ba lần so với nhà kho thông thường và quá trình xây dựng có thể lâu hơn đến sáu tháng. Bên cạnh đó là thời hạn thuê thường kéo dài từ 15 năm đến 20 năm khiến nguồn cung đã khan hiếm càng khan hiếm hơn.

Miếng bánh lớn để cho các nhà đầu tư?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu). 

Tuy nhiên, với số lượng kho lạnh hiện nay còn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo số liệu của JLL, nguồn cung kho lạnh chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam do nhu cầu lớn, trong đó, khoảng 60% thị phần được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài. 

Kho lạnh thương mại đầu tiên được xây dựng năm 1996 bởi Konoike Vinatrans, một liên doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam. 

Tới năm 1998, Swire Cold Storge của Úc xây dựng một trong những kho lạnh hiện đại nhất thời bấy giờ. Năm 2007, Công ty Cổ phần Hùng Vương xây dựng hai kho lạnh với tổng sức chứa là 40.000 tấn hàng. Những doanh nghiệp khác có thể kể đến LOTTE Sea (2009) và Preferred Freezer Services (2010).

Với sự thiếu hụt trong nguồn cung kho lạnh như hiện nay, lĩnh vực này được đánh giá là còn nhiều dư địa hấp dẫn các nhà đầu tư. 

Theo bà Trang Bùi: “Với chuỗi cung ứng lạnh không tập trung và hầu hết được điều hành bởi các nhà cung cấp vừa và nhỏ, các trung tâm kho lạnh là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà khai thác tại đây.”

Thực tế, việc đầu tư vào kho lạnh tại Việt Nam cũng đã được nhiều tổ chức quan tâm. Hồi tháng 10/2020, Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam công bố dự án kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp định hướng xuất khẩu thị trường châu Âu, Trung Đông và khởi công mô hình kho lạnh thông minh.

Mô hình trình diễn kho lạnh tại huyện Càng Long, Trà Vinh là bước đầu tiên trong dự án kết nối nguồn lực của Quỹ Khởi nghiệp xanh để triển khai 5 kho lạnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài toán thiếu kho lạnh: Miếng bánh ngon đang còn bỏ dở? - Ảnh 1.

Lễ công bố dự án kết nối nguồn lực hỗ trợ nông dân khởi nghiệp định hướng xuất khẩu thị trường châu Âu, Trung Đông và khởi công mô hình kho lạnh thông minh tại xã Bình Phú, huyện Càng Long. Ảnh: Quỹ Khởi nghiệp xanh

Các chính sách cũng trở nên thông thoáng hơn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội các doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam rà soát tổng thể năng lực lưu kho, bảo quản của hệ thống kho lạnh, container phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.

Đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khuyến nghị cần có chính sách giá điện ưu đãi áp dụng cho vận hành kho lạnh.

Ngoài ra, trước đó, Việt Nam cũng đã có những chính sách nhằm khuyến khích phát triển kho lạnh. Cụ thể, theo Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg, doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất; được Nhà nước hỗ trợ 20% kinh phí giải phóng mặt bằng, 30% kinh phí hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào.

Ngoài ra, nếu là doanh nghiệp mới thành lập để thực hiện dự án đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản thủy sản tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được áp dụng mức thuế suất 20% trong 10 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

Đối với dự án thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Đức Quỳnh

Khảo sát: Gần 2/3 các nhà kinh tế dự kiến Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9
Kịch bản chính của đa số nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters là Fed sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm 2024. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo nếu giá cả không hạ nhiệt thì Fed có thể chỉ hạ lãi suất một lần.