|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuyên gia: Trị 'chú ngựa bất kham' vàng bằng cách nào?

16:33 | 14/05/2024
Chia sẻ
Theo chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh, chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới tăng không phải do sóng vàng thế giới, cũng không phải do nhu cầu của người dân, vì vậy cần áp dụng các biện pháp hành chính để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá trên thị trường vàng.

Không phải giải pháp căn cơ

Trong những ngày gần đây, giá vàng liên tục biến động mạnh, lập đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng vào ngày 10/5 và sau đó quay đầu giảm mạnh. Đáng chú ý, giá vàng trong nước tăng vọt tới 3 triệu đồng trong ngày 10/5 dù thế giới đi ngang, nâng mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới lên 20 triệu đồng một lượng.

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức một số phiên đấu thầu nhưng vẫn không thể làm giảm đà tăng của giá vàng. Nhiều ý kiến cho rằng cần nhập khẩu vàng và phá bỏ thế độc quyền của vàng SJC để đưa giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới.

Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập kiêm Giám đốc Think Future Consultancy, giải pháp bình ổn bằng cách nhập khẩu vàng hay phá thế độc quyền vàng miếng SJC đều không phải giải pháp căn cơ để bình ổn thị trường vàng mà là điều kiện mang lợi ích cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Linh cho biết từ năm 2021, diễn biến thị trường vàng trở lên bất ổn, “chú ngựa” chênh lệch giá vàng bỗng chốc khó kiểm soát. Vì vậy, điều cần làm là “trị” chứ không đơn giản là nhập vàng để “chiều” theo sự “đỏng đảnh” khó lường của thị trường.

Diễn biến giá vàng từ tháng 8/2020 đến nay. (Nguồn: Chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh tổng hợp).

Theo ông Linh, khác với ba kênh đầu tư khác là chứng khoán, bất động sản và ngoại tệ, vàng không có vai trò huy động vốn như chứng khoán, không phải một nhu cầu thiết yếu "an cư lạc nghiệp" như bất động sản và cũng không có chức năng thanh toán quốc tế như ngoại tệ. Vàng thuần túy là một loại tài sản tích trữ và gần như không mang lại lợi ích nào cho phát triển kinh tế.

NHNN khi "dẹp loạn thị trường vàng" năm 2012 đã có chính sách rất rõ ràng và kiên quyết, đó là chống vàng hóa, chấm dứt huy động/cho vay bằng vàng, đóng cửa các sàn vàng và chuẩn hóa chỉ có 1 loại vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý.

Độ phức tạp của thời kỳ "dẹp loạn" này có lẽ lớn hơn nhiều so với giai đoạn chênh lệch giá vàng hiện nay. Việc không cấp phép nhập khẩu vàng cho đến thời điểm này cũng thể hiện một quan điểm xuyên suốt, đó là không hy sinh dự trữ ngoại hối chỉ để đáp ứng nhu cầu tích trữ, không phục vụ phát triển kinh tế.

Trị "chú ngựa bất kham" bằng cách nào?

Sau "dẹp loạn", thị trường vàng có một thời gian khá dài ổn định, chênh lệch giá vàng giảm về 0. Thế nhưng kể từ năm 2021, khác hẳn với sự thuần phục của những năm trước đó, "chú ngựa bất kham" vàng bắt đầu nổi loạn, chênh lệch giá vàng bỗng chốc mất kiểm soát.

Nguyên nhân có thể kể đến lãi suất thấp như trong giai đoạn 2021- đầu 2022 hay cuối 2023 đến nay là một môi trường lý tưởng để tạo sóng với bất kỳ một loại tài sản nào. Năm nay, tạo sóng vàng còn thuận lợi hơn nhờ giá vàng thế giới tăng do bất ổn địa chính trị và kênh chứng khoán, bất động sản không nóng để hút tiền như năm 2021 - 2022.

Khi biến động giá mạnh, chênh lệch mua vào – bán ra càng lớn, càng tạo nhiều lợi nhuận cho các "nhà cái". Sóng vàng không chỉ mang lại lợi nhuận từ mua thấp bán cao mà còn mang lại lợi nhuận nhờ chênh lệch mua vào – bán ra.

Chênh lệch giá vàng tăng lên mức cao nhất lịch sử vào tháng 9/2022, tương đương 42% giá vàng thế giới. Thời gian này không nhiều người nhắc đến nhập vàng để bình ổn mà phần nhiều nhắc đến hai đề xuất: Cho phép nhập vàng nguyên liệu để gia công trang sức và phá thế độc quyền vàng miếng SJC. Cả hai đề xuất đều mang lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Theo Nghị định 24/2012, Nhà nước thực thi độc quyền vàng miếng và thương hiệu SJC là thương hiệu vàng miếng duy nhất được phép lưu hành. SJC là doanh nghiêp nhà nước thuộc sở hữu 100% của UBND thành phố HCM. SJC chỉ được gia công vàng miếng SJC 99,99% theo chỉ đạo của NHNN về hạn mức, thời điểm, nguồn vàng nguyên liệu và chịu sự giám sát và kiểm soát tuyệt đối của NHNN.

Trong giai đoạn từ tháng 9/2022 đến tháng 7/2023, giá vàng trong nước đi ngang trong khi giá vàng thế giới giao động mạnh, tăng 10% rồi giảm 3%. Thời điểm này tương đối trùng lặp với giai đoạn các ngân hàng tăng mạnh lãi suất VND để ổn định tỷ giá. Chứng khoán và bất động sản cùng thoái trào nhưng vàng cũng không thể tạo sóng ngay cả khi vàng thế giới tăng.

Tuy nhiên từ tháng 8/2023 đến nay, giá vàng trong nước và thế giới cùng có xu hướng tăng, tuy nhiên nếu quan sát kỹ thì có 2 giai đoạn giá vàng trong nước tăng trong khi giá vàng thế giới đi ngang, nới rộng chênh lệch giá vàng lên 32% và 26%. Lãi suất thấp, kênh chứng khoán và bất động sản đều trầm lắng, nương theo giá vàng thế giới thì vàng trong nước rất dễ tạo sóng.

Có thể thấy, không phải do sóng vàng thế giới, cũng không phải do nhu cầu mua vàng mà chênh lệch giá vàng vẫn tăng. Nhìn lại lịch sử có thể thấy rằng, không cần nhập khẩu, không cần phá độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, "chú ngựa bất kham" chênh lệch giá vàng vẫn có những giai đoạn dài được kiểm soát, giá vàng trong nước và thế giới đồng pha gần như tuyệt đối.

Do đó, trong tình hình này, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì. Ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng.

Việc giảm sâu lãi suất tại Việt Nam đang không chỉ tạo ra áp lực lên tỷ giá mà còn tăng cao nguy cơ hình thành các bong bóng tài sản. Mức giá chung cư tại Hà Nội và chênh lệch giá vàng đã tăng đồng thời với sự giảm sâu của lãi suất VND xuống mức "thấp nhất trong 20 năm". Sức hấp dẫn của đồng VND đã giảm so với các kênh đầu tư/đầu cơ khác, bao gồm ngoại tệ và vàng. Đây là hai loại tài sản tiềm ẩn rủi ro cao đối với quản lý ngoại hối và ổn định vĩ mô.

Chuyên gia đề xuất việc tăng lãi suất sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, không chỉ giúp kiểm soát bong bóng tài sản mà còn hỗ trợ việc tăng trưởng kinh tế. Bởi ổn định cũng là một phần không thể thiếu của tăng trưởng. Chi khi có sự ổn định, tăng trưởng mới thực sự bền vững.

Hạ An