|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ấn Độ tạm đình chỉ tất cả loại thị thực

20:59 | 19/03/2020
Chia sẻ
Cho đến ngày 19/3, số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ đã tăng lên 148 người, 3 ca tử vong. Mối quan tâm lớn nhất của Ấn Độ hiện nay là tiểu bang Maharashtra – tiểu bang có mức độ đô thị hóa cao nhất ở Ấn Độ, nơi có thủ đô tài chính Mumbai và các sàn giao dịch chứng khoán.

Ngày 11/3, Chính phủ Ấn Độ quyết định đình chỉ tất cả các loại thị thực, trừ những người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, tổ chức quốc tế và những người có thị thực làm việc hoặc dự án… nhằm ngăn chặn bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do virus corona chủng mới gây ra đang lây lan mạnh tại nước này.

Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp nhóm các bộ trưởng do Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan chủ trì sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Quyết định mới có hiệu lực từ 12 giờ GMT ngày 13/3 tính theo địa điểm khởi hành và kéo dài đến ngày 15/4.

Ngoài ra, Ấn Độ còn nêu rõ sẽ cách li tối thiểu 14 ngày đối với các du khách tới từ hoặc từng thăm 7 quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, gồm Trung Quốc, Italy, Iran, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha và Đức sau ngày 15/2, như một nỗ lực nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Cho đến ngày 19/3, số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ đã tăng lên 169 người, 3 ca tử vong. Mối quan tâm lớn nhất của Ấn Độ hiện nay là tiểu bang Maharashtra – tiểu bang có mức độ đô thị hóa cao nhất ở Ấn Độ, nơi có Thủ đô tài chính Mumbai và các sàn giao dịch chứng khoán.

Tiểu bang này cũng được xác nhận là nơi có số người nhiễm COVID-19 nhiều nhất với 45 trường hợp. Chính quyền bang đã kêu gọi phong tỏa các thành phố thuộc tiểu bang vào hôm 16/3, đóng cửa các địa điểm công cộng, hoãn kì thi đại học và yêu cầu các văn phòng chính phủ, các công ty tư nhân đảm bảo ít nhất một nửa nhân viên được làm việc tại nhà.

Hiện tại nguồn nguyên liệu thô để sản xuất màng lọc kháng khuẩn (Meltblown, spunbond,...) tại Ấn Độ cũng tương đối khan hiếm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này đã nhận đơn hàng đến hết tháng 5.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý và thận trọng đối với một số trường hợp quảng cáo trên các trang mua bán trực tuyến về việc có khả năng cung cấp sản phẩm và yêu cầu thanh toán trước 100% giá trị đơn hàng. 

Trước khi kí kết hợp đồng mua bán khuyến nghị doanh nghiệp yêu cầu đối tác cung cấp thông tin chi tiết về nhà máy, giấy kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận màng lọc đạt chuẩn, giấy chứng nhận ISO, GMP... hạn chế thanh toán đặt cọc trước cho đối tác, nên áp dụng hình thức thanh toán bằng L/C.

Phùng Nguyệt