|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ấn Độ không nghiêng về phía nào trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Ấn?

19:53 | 14/07/2020
Chia sẻ
Khi mối quan hệ Trung - Ấn suy yếu rõ rệt sau cuộc đụng độ chết người ở biên giới chung hồi tháng 6 và ngay giữa lúc Mỹ - Trung chiến tranh lạnh, dường như sẽ khá tự nhiên khi suy đoán Ấn Độ sẽ ngả về phía Mỹ trong tam giác chiến lược. Tuy nhiên, Ấn Độ lại không làm vậy.
Ấn Độ không nghiêng về phía nào trong tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Ấn? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: The Print

South China Morning Post nhận thấy, cuộc đụng độ biên giới nghiêm trọng nhất trong hơn 50 qua giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã khơi dậy cuộc tranh luận cũ.

Liệu New Delhi có nên hình thành một liên minh chính thức với Washington để chống lại Bắc Kinh không và bằng cách nào liên minh mới có thể thay thế động lực của tam giác chiến lược Mỹ - Trung - Ấn cũng như định hình lại vấn đề địa chính trị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương?

Tại New York năm 1998, cựu Thủ tướng Bihari Vajpayee từng tuyên bố Ấn Độ và Mỹ là "hai đồng minh tự nhiên trên hành trình tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới". Đây là một thay đổi táo bạo so với chính sách không liên kết của New Delhi trong Chiến tranh Lạnh (1947 - 1991).

Tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Ấn phức tạp và biến động

Nhiều nhà quan sát ở Trung Quốc dường như cũng tin Mỹ đã đóng một vai trò ngầm trong căng thẳng biên giới Trung - Ấn và chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi New Delhi ngả về phía Washington để đối đầu với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, hơn hai thập kỉ sau tuyên bố của ông Vajpayee, bất chấp các cuộc thảo luận về quan hệ "đồng minh tự nhiên" Mỹ - Ấn, New Delhi cho đến nay vẫn còn do dự chưa chọn phe trong cuộc đụng độ Mỹ - Trung.

Ấn Độ không hoàn toàn theo đuổi chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Trump cũng như không chen quá sâu vào liên minh tứ giác được đề xuất với Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Thay vào đó, Ấn Độ ngần ngại tham gia vào một liên minh quân sự với Mỹ do lo ngại mất "quyền tự trị chiến lược" và trở thành đồng minh cấp dưới của Mỹ vì sự bất cân xứng rõ rệt giữa sức mạnh của Washington và New Delhi, các nhà phân tích cho hay.

Tuy nhiên, cuộc đụng độ chết người và nghiêm trọng nhất kể từ năm 1975 giữa Trung Quốc và Ấn Độ hồi tháng 6 có thể trở thành điểm bước ngoặt khi tranh chấp biên giới kéo dài vẫn là liên kết yếu nhất trong quan hệ Trung - Ấn.

Ông Pang Zhongying - nhà phân tích vấn đề quốc tế tại Đại học Đại Dương Trung Quốc, nhận định: "Căng thẳng biên giới bùng nổ có thể củng cố quan hệ hợp tác Mỹ - Ấn để đối phó với Trung Quốc và có thể buộc Ấn Độ xem xét lại lập trường chống Trung Quốc trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ".

Các nhà phân tích thận trọng cho hay, mối quan hệ đang phát triển của Ấn Độ với Mỹ, cùng các liên kết ngoại giao và an ninh song phương trong hai thập kỉ qua đã thay đổi tam giác quan hệ Mỹ - Trung - Ấn và cán cân quyền lực khu vực.

"Mặc dù Trung Quốc bị đặt vào thế phòng thủ để đối phó với chính quyền ông Trump, nước này lại rất nỗ lực gây căng thẳng ở các khu vực lân cận để có được nhiều lợi thế nhất", ông Yun Sun - thành viên cấp cao tại Trung tâm Stimson (trụ sở ở Washington, Mỹ), lí giải.

Tuy nhiên, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mà ông Trump giới thiệu ba năm trước trong nỗ lực xây dựng liên minh với Ấn Độ và các nước cùng định hướng khác để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đảo chiều tình huống và thúc đẩy Bắc Kinh đánh giá lại tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ và xoa dịu New Delhi.

Ông Sun nói nếu Washington không áp dụng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và muốn lập liên minh với New Delhi, quĩ đạo chính sách của Trung Quốc với Ấn Độ có thể sẽ rất khác.

Đối với Trung Quốc, mối quan hệ phức tạp và gập ghềnh với Ấn Độ là thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh và chính trị. Ông Sun lí giải: "Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là bình ổn quan hệ với Ấn Độ nhằm ngăn Washington lôi kéo New Delhi và tránh cuộc đụng độ với hai nước này".

Ấn Độ không chọn phe vì lí do riêng

Mặc dù có chung nhiều giá trị dân chủ, mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ lại không mấy êm đẹp kể từ cuối năm 1940, chủ yếu là do thái độ trung lập của chính quyền New Delhi trong Chiến tranh Lạnh và do Washington là đồng minh của Pakistan.

Mãi đến cuối những năm 1990, Ấn Độ mới bắt đầu tiến gần hơn đến Mỹ, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và quốc phòng vì cùng lo ngại về ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á và một số khu vực khác.

Các nhà phân tích cũng lưu ý, dù tăng cường hợp tác với Mỹ, Ấn Độ vẫn cảnh giác trước thái độ coi thường đồng minh và ngoại giao của ông Trump. Ngoài ra, Ấn Độ cũng không muốn từ bỏ quan hệ đối tác đa dạng với các nước khác, đặc biệt là liên minh an ninh và quốc phòng của nước này với Nga.

Theo chính sách Hành động Hướng Đông (Act East) của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đang theo đuổi quan hệ thương mại, chính trị và quân sự gần gũi với Nhật Bản, Việt Nam, Singapore, Philippines và một số nước Đông Nam Á khác.

Dù vậy, theo ông Mohan Guruswamy - Chủ tịch của Trung tâm Chính sách Thay thế (trụ sở ở New Delhi) cho hay Ấn Độ không có ý định tham gia vào một liên minh chống Trung Quốc hoặc là một phần của liên minh quân sự chống Trung Quốc.

"Ấn Độ coi cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung giống như cuộc chiến giữa trâu bò. Khi trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết. Chúng tôi không muốn gây ảnh hưởng đến tình hình hiện tại và hạn chế vai trò của bản thân trong cuộc đụng độ giữa hai siêu cường", ông Guruswamy nói.

Ông Guruswamy lưu ý, quan hệ Trung - Ấn luôn mang đầy hoài nghi và hai bên khác (hàm ý Mỹ và Pakistan) thường tác động đến mối quan hệ trắc trở này.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon cũng chỉ ra các giới hạn của một liên minh Mỹ - Ấn và cảnh báo chính quyền ông Modi không nên làm đồng minh với Washington. Ông Menon dẫn cuộc căng thẳng biên giới kéo dài 73 ngày cách đây ba năm làm luận điểm cho lập luận của mình.

Trong bối cảnh cán cân quyền lực và đồng minh giữa Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan ở Nam Á thay đổi, thái độ nghi ngờ và thù địch giữa Bắc Kinh và New Delhi đã trở nên sâu sắc hơn kể từ khi chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương được giới thiệu.

Ví dụ, khi ông Trump đề xuất mở rộng G7 thành G11, tức mời thêm Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc và Nga tham gia, Trung Quốc đã tức giận vì ông Modi tỏ ra ủng hộ với ý tưởng này.

Tháng trước, Tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc đăng liên tục 5 bài xã luận phân tích về tình hình biên giới và quan hệ song phương Trung - Ấn, bao gồm 4 bài sau cuộc đụng độ chết người ở biên giới hôm 15/6.

Ngày 17/6, Thời báo Hoàn cầu thậm chí còn đặt câu hỏi liệu liên minh Mỹ - Ấn và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể giúp New Delhi trỗi dậy như mong muốn hay không.

Yên Khê