|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ấn Độ, Trung Quốc đều sẽ hứng chịu tổn thất lớn nếu phát động chiến tranh thương mại

00:03 | 09/07/2020
Chia sẻ
Hai quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ còn chịu nhiều tổn thất nếu tranh chấp ở biên giới leo thang thành cuộc chiến thương mại toàn diện.

Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã tử vong trong cuộc đụng độ với lính Trung Quốc ở biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya hồi tháng 6.

Xung đột biên giới hồi tháng 6 giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu tác động đến kinh tế và công nghệ của hai nước. Nhưng hai quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ còn chịu nhiều tổn thất nếu tranh chấp leo thang thành cuộc chiến thương mại toàn diện, theo CNN.

Ấn Độ đã chứng tỏ họ sẵn sàng gây áp lực kinh tế lên nước láng giềng sau cuộc đụng độ đẫm máu ở biên giới. Các hiệp hội thương mại ở Trung Quốc cho biết, hồi tuần trước, Ấn Độ không thông quan hàng loạt lô hàng Trung Quốc. Giới chức một bang ở Ấn Độ tạm ngừng các giao dịch trị giá hàng trăm triệu USD với Trung Quốc.

Ấn Độ, Trung Quốc đều sẽ hứng chịu tổn thất lớn nếu phát động chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Lính biên phòng Ấn Độ và Trung Quốc đứng cạnh nhau ở biên giới. Ảnh: India Times

Vài hôm gần đây, chính phủ Ấn Độ cấm hàng chục ứng dụng di động, bao gồm các ứng dụng nổi tiếng của Trung Quốc như TikTok, WeChat và mạng xã hội Weibo. 

Cuộc đối đầu đã đạt đến mức cao nhất về mặt chính trị khi Weibo thông báo họ sẽ xóa tài khoản của Thủ tướng Narendra Modi theo yêu cầu của chính phủ Ấn Độ.

Giới chức Trung Quốc đã thể hiện sự lo ngại. Ngày 30/6, các quan chức Trung Quốc cho biết “quan ngại sâu sắc” về lệnh cấm cửa hàng loạt ứng dụng tại Ấn Độ. Ngày 3/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "hai nước nên hợp tác với nhau".

“Bắc Kinh đang thăm dò tình hình. Một cuộc chiến thương mại sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ nước nào”, giáo sư Geethanjali Natara, một nhà nghiên cứu của Viện Hành chính công Ấn Độ (IIPA) nhận định với CNN.

Suốt nhiều năm qua, Trung Quốc đã là đối tác thương mại quan trọng của Ấn Độ. Từ tháng 4/2019 đến tháng 3, Ấn Độ mua 65 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, chiếm gần 14% tổng kim ngạch nhập khẩu, theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ. Trung Quốc cũng mua 16,6 tỷ USD hàng hóa từ Ấn Độ trong cùng thời kì.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ, chỉ sau Mỹ. Ngược lại, hàng hóa xuất khẩu sang Ấn Độ chỉ chiếm 3% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc năm 2019. Năm ngoái, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Trung Quốc.

Dù vậy, giới phân tích nhận định mọi cuộc chiến với Ấn Độ sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt. Nền kinh tế thứ hai thế giới đang chịu áp lực trên nhiều mặt trận, bao gồm tình trạng mất thiện cảm từ phương Tây do luật an ninh mới với Hong Kong và cách Bắc Kinh xử lí đại dịch COVID-19. 

Ngoài ra, Trung Quốc còn vật vã với nền kinh tế suy yếu trong quí I và tình trạng thất nghiệp gia tăng.

“Đang tỏ thái độ cứng rắn trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, nhưng Trung Quốc không muốn một cuộc đối đầu”, Deng Yuwen, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Chiến lược Trung Quốc, phát biểu.

Giáo sư Nataraj của IIPA chỉ ra rằng, có khả năng Trung Quốc không muốn làm tổn hại mối quan hệ với Ấn Độ. Bởi trên thực tế, Trung Quốc xuất khẩu hàng tỷ USD hàng hóa sang Ấn Độ mỗi năm.

“Giới doanh nghiệp Trung Quốc đã phải đối mặt với hạn chế thương mại từ Mỹ và một số quốc gia khác, trong khi họ đang dư thừa nguồn lực. Do đó, Trung Quốc sẽ không dễ bỏ qua một thị trường lớn như Ấn Độ”, bà Nataraj khẳng định.

Chuyên gia Deng nhận định bề ngoài chính quyền Trung Quốc vẫn tỏ ra cứng rắn với Ấn Độ về tranh chấp lãnh thổ do áp lực từ dư luận trong nước.

Ông Nataraj nhận định Ấn Độ cũng sẽ hứng chịu tổn thất lớn nếu họ phát động cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc. Tương tự nhiều quốc gia khác, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm phổi cấp COVID-19.

Sản xuất công nghiệp giảm mạnh, ngành dịch vụ đình đốn. Nhiều ngành công nghiệp tại Ấn Độ, bao gồm điện tử, dược phẩm và phần cứng công nghệ thông tin, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc. Hàng loạt doạnh nghiệp vận chuyển thừa nhận xung đột giữa hai quốc gia đã gây ra sự gián đoạn nguồn cung.

Express India xác nhận với CNN rằng họ phải “tạm ngừng nhận hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Macau do thủ tục hải quan chậm trễ”. 

Giáo sư Nataraj dự báo làn sóng tẩy chay Trung Quốc sẽ ảnh hưởng ngắn hạn đến chuỗi cung ứng của mạng lưới sản xuất Ấn Độ. FedEx thừa nhận họ đang đối mặt với tình trạng tồn đọng và tắc nghẽn tại nhiều cơ sở.

Dẫu vậy, giới phân tích cho rằng xung đột vẫn có khả năng leo thang. “Ấn Độ hiểu rằng Trung Quốc có thể trả đũa và Ấn Độ phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc nhiều hơn. Nhưng sự phẫn nộ và giận dữ đang bao trùm đất nước này”, giáo sư Kanti Bajpai tại Đại học Quốc gia Singapore bình luận.

“Nếu cuộc đối đầu vẫn tiếp diễn, Delhi có thể tung đòn thương mại”, giáo sư nói thêm.

Để trả đũa, Bắc Kinh có thể trì hoãn tiếp cận thị trường Ấn Độ trong các lĩnh vực như dược phẩm và nông nghiệp, theo Rick Rossow, Chủ tịch Wadhwani tại Viện Nghiên cứu Chính sách Mỹ - Ấn Độ. Trung Quốc cũng có thể ngừng đầu tư mới vào Ấn Độ.

Đầu tư từ Trung Quốc đổ vào các startup và nhà máy Ấn Độ cũng là một vấn đề gây tranh cãi. Hồi tháng 4, chính phủ Ấn Độ tuyên bố đầu tư nước ngoài của những quốc gia có chung biên giới đất liền với Ấn Độ cần chịu sự giám sát kỹ lưỡng.

“Hậu quả kinh tế của những động thái này ban đầu có thể không đáng kể, nhưng tác động lớn hơn có khả năng xảy ra nếu Ấn Độ quyết định tách khỏi Trung Quốc và bảo đảm mối quan hệ chiến lược với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Australia”, Rossow nói thêm.

Chí Quân

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.