Xung đột biên giới Trung-Ấn: Trung Quốc đang toan tính gì?
Ngày 15/6, một vụ đụng độ đẫm máu giữa binh lính Trung Quốc và Ấn Độ nổ ra tại thung lũng Galwan vùng Ladakh trên dãy Himalaya. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975 xung đột giữa hai quốc gia láng giềng này xảy ra thương vong.
Các chi tiết được công bố về vụ đụng độ biên giới Ấn-Trung khá kì lạ. Tại độ cao 4.000m, thời tiết buốt giá đến đóng băng, binh sĩ hai bên hỗn chiến bằng vũ khí thô sơ như đá và gậy gắn đinh thay vì nổ súng.
Ấn Độ báo cáo 20 binh sĩ nước này đã thiệt mạng. Dù Trung Quốc giữ kín thông tin, nhưng nhiều người tin rằng nước này cũng có lính bị chết hoặc bị thương.
Sẽ là hợp lí khi cho rằng lực lượng quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đóng ở khu vực biên giới sẽ ác cảm với nhau nhiều hơn. Các cuộc điện thoại giữa hai bộ trưởng ngoại giao cũng không thể dễ dàng xóa bỏ cuộc đụng độ đẫm máu đến vậy.
Dù không rõ bên nào đã khởi xướng, nhưng có thể thấy rõ ràng thông tin về vụ đụng độ đã phá hỏng niềm vui trong ngày sinh nhật lần thứ 67 của Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng rơi vào hôm 15/6.
Theo Nikkei Asian Review, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã phải trải qua những sự cố khó xử trong ngày sinh nhật.
Vào ngày sinh nhật thứ 64 của Thủ tướng Modi hôm 17/9/2014, ông Tập đang có chuyến công du sang Ấn Độ. Ông Tập Cận Bình và ông Modi đi dạo và ngồi cùng nhau trên một chiếc xích đu truyền thống của Ấn Độ, thể hiện mối quan hệ gần gũi và thân mật. Sau đó hai người cùng ăn tối để chúc mừng ngày sinh của ông Modi.
Nhưng trong bữa tiệc, ông Modi bất ngờ được báo cáo rằng quân đội Trung Quốc đã xâm nhập vào khu vực phía bắc của Ấn Độ tại vùng Kashmir, vượt qua Đường Kiểm soát Trung-Ấn (Line of Actual Control) và đang sắp sửa đụng độ với lính Ấn Độ.
Đường Kiểm soát Trung-Ấn là một ranh giới lỏng lẻo tách biệt hai quốc gia tại vùng biên giới đang xảy ra tranh chấp.
Ngay sau khi đọc báo cáo, ông Modi hỏi ông Tập về vụ xâm nhập này. Tại thời điểm đó, dường như phía Trung Quốc cũng chưa nắm rõ chi tiết của vụ việc.
Dĩ nhiên, vụ việc này đã phá hỏng bầu không khí của bữa tối. Ngày hôm sau, ông Tập và ông Modi gặp mặt nhau trong cuộc hội nghị chính thức. Ông Modi gay gắt yêu cầu Trung Quốc rút quân, trái ngược với kịch bản về một cuộc họp ôn hòa và thân thiện ban đầu.
Ông Tập cũng vì thế mà cảm thấy mất mặt.
Sau đó, ông Tập đã siết chặt quyền kiểm soát lên lực lượng vũ trang. Hàng loạt quan chức quân đội bị bắt, kể cả những tướng lĩnh cấp cao.
Trước cuộc đụng độ mới đây, Trung Quốc và Ấn Độ từng giao tranh dẫn tới binh sĩ tử vong vào các năm 1975 và 1962.
Đối với Trung Quốc, những năm 1960 và 1970 là một thời kì rối ren. Trong nước, cuộc Cách mạng Văn hóa gây ra vô vàn hỗn loạn. Ngoài nước, Trung Quốc tranh chấp biên giới với Liên Xô (năm 1969) và Việt Nam (năm 1979).
Nhưng sau khi Trung Quốc chấp nhận chính sách "mở cửa và cải cách" của ông Đặng Tiểu Bình, số binh sĩ thiệt mại trong các vụ đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã giảm xuống còn không.
Tuy nhiên, xung đột biên giới ngày 15/6 đã làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang quay trở lại với lối suy nghĩ và hành động từ hơn 50 năm trước.
Kể từ sau sự cố ngày sinh nhật ông Modi năm 2014, ông Tập đã nắm toàn quyền kiểm soát quân đội Trung Quốc. Ông Tập đã chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng lớn nhắm đến các quan chức quân đội và dẫn đầu các cải cách quyết liệt. Phải chăng ông Tập đang muốn lặp lại quá khứ và thử nghiệm sức mạnh quân sự bằng một trận chiến qui mô lớn?
Trung Quốc ngày nay rất khác với 50 năm trước. Vũ khí của Trung Quốc đã được nâng cấp đáng kể, bất cứ ý định khơi mào xung đột nào từ nước này cũng sẽ là mối đe dọa lớn.
Sự thù địch đang dồn nén giữa Trung Quốc và Ấn Độ cũng là một mối lo ngại khác.
Năm 1998, khi Ấn Độ tiến hành thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc công khai tuyên bố Ấn Độ "nên lo kiếm khoai tây cho dân ăn no trước đã".
Đây là một nhận xét thể hiện thái độ khinh thường, xúc phạm Ấn Độ là một nước đói nghèo phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực kinh niên.
22 năm sau, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã phát triển thành những nền kinh tế lớn và có vị trí quan trọng với tư cách là những quốc gia mới nổi.
Trung Quốc và Ấn Độ cũng là hai quốc gia có dân số lớn nhất thế giới. Tổng cộng, 1,4 tỉ dân Trung Quốc và 1,3 tỉ người Ấn Độ chiếm đến 35% tổng dân số toàn cầu.
Việc Trung Quốc khá im lặng về xung đột biên giới ngày 15/6 khiến thế giới lo lắng. Trung Quốc không báo cáo thương vong nào. Các tin tức về cuộc đụng độ bị kiểm soát gắt gao tại Trung Quốc.
Ngay cả ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu bình thường vẫn hay mạnh miệng, cũng không nói lớn về xung đột Trung - Ấn mà chỉ tweet rằng Ấn Độ "không nên lầm tưởng rằng sự kiềm chế của Trung Quốc là sự yếu đuối".
Sự kín đáo của Trung Quốc phản ánh thế khó của nước này. Trung Quốc đang gây sự với quá nhiều nước tại khắp các mặt trận đông tây nam bắc.
Ở phía Đông, vượt Thái Bình Dương, Trung Quốc mắc kẹt trong cuộc đối đầu nghiêm trọng với Mỹ.
Gần quê nhà đại lục cũng có nhiều vấn đề. Trung Quốc đang tăng cường hoạt động xung quanh Đài Loan và quần đảo Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản.
Về phía nam, Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông. Bắc Kinh cũng chuẩn bị để áp dụng luật an ninh quốc gia Hong Kong, làm suy yếu hệ thống pháp luật hiện tại của đặc khu này.
Ở phía tây bắc, Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ về vấn đề nhân quyền tại Khu tự trị Tân Cương.
Khi xét đến những hoàn cảnh trên, việc Trung Quốc muốn giữ im lặng về cuộc đụng độ quân sự mới nhất với Ấn Độ là điều dễ hiểu.
Trong suốt nhiều năm qua, Ấn Độ đã lo lắng về chiến lược xây dựng cảng biển tại các quốc gia bao quanh Ấn Độ. Có khả năng cuộc đụng độ quân sự mới nhất sẽ đẩy Ấn Độ vốn giữ vị thế trung lập chuyển sang cùng phe với Mỹ, làm tăng thêm các khó khăn Bắc Kinh đang phải đối mặt.