|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xung đột Trung - Ấn: Mặt trận kinh tế đáng lo hơn quân sự

06:28 | 21/06/2020
Chia sẻ
Thương mại giữa Trung Quốc và Ấn Độ đóng vai trò là yếu tố kiềm chế quan trọng ngăn chặn các cuộc xung đột bùng phát thành chiến tranh.
Không phải biên giới, kinh tế mới là mặt trận quan trọng nhất trong xung đột Ấn-Trung - Ảnh 1.

Thúc đẩy thương mại sẽ giúp các quốc gia láng giềng đối xử tốt với nhau hơn. Ảnh: Getty Images

Còn gì tệ hại hơn việc hai quốc gia đông dân, sở hữu vũ khí hạt nhân đụng độ chết người ở biên giới? Đó là khi hai quốc gia này để mặc cho mối quan hệ lâu dài bị hủy hoại.

Theo Bloomberg, việc binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ tại khu vực biên giới giữa hai nước không phải điều hoàn toàn bất ngờ. Mối quan hệ Ấn-Trung vốn dĩ chưa bao giờ bền chặt và ngày càng bị tổn thương trong bối cảnh chính phủ Ấn Độ bị kéo vào xung đột giữa Washington và Bắc Kinh.

Nếu kế tiếp thương mại và đầu tư bị ảnh hưởng, căng thẳng Ấn-Trung có thể dẫn tới những rắc rối kéo dài trong suốt nhiều thập kỉ.

Ông Gopalaswami Parthasarathy, một nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm viết trên tờ Hindu BusinessLine: "Ấn Độ phải đánh giá lại và giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc".

Đề xuất của ông Parthasarathy không phải điều gì quá khó thực hiện, vì có vẻ như nền tảng cho mối quan hệ hai bên đang ngày càng có nhiều rạn nứt. Chủ nghĩa dân tộc kinh tế đang ngày càng được tung hô ở Ấn Độ, và Trung Quốc dường như sẽ là đối tượng bị nhắm đến đầu tiên.

Năm ngoái, Mỹ vượt mặt Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tháng 4 năm nay, chính phủ Ấn Độ thắt chặt luật đầu tư nước ngoài, một động thái được nhiều người ngầm hiểu là nhắm mục tiêu vào Bắc Kinh.

Theo Economic Times, Ấn Độ cũng đang cân nhắc hạn chế các khoản đầu tư liên quan tới chứng khoán từ Trung Quốc.

Tháng 11/2019, Ấn Độ quyết định rời khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – khối thương mại được hậu thuẫn bởi Bắc Kinh và sẽ giúp Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn với các nền kinh tế lớn của châu Á.

Bất chấp tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ tăng gần 50% trong giai đoạn 2010 – 2019, giá trị hàng hóa Ấn Độ bán sang Trung Quốc lại giảm 14% trong cùng thời kì. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc ngày càng gia tăng lại càng càng tạo thêm động lực cho sự chuyển biến sang chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ

Không phải biên giới, kinh tế mới là mặt trận quan trọng nhất trong xung đột Ấn-Trung - Ảnh 2.

Tất cả những xu hướng này đều đáng lo ngại, vì mối quan hệ thương mại có thể đóng vai trò là một hạn chế quan trọng tới xung đột giữa hai quốc gia. Tổn thất kinh tế ngay lập tức từ việc gây chiến với đối tác thương mại lớn là một yếu tố có thể ngăn chặn các cuộc giao tranh biến thành các trận chiến lớn.

Một nghiên cứu về các cuộc xung đột cuối thế kỉ 20 của Đại học Sorbonne năm 2008 phát hiện rằng khi hai quốc gia giảm sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau, rủi ro về xung đột sẽ tăng thêm.

Ví dụ, thử nhìn vào mối quan hệ khó khăn nhất của Ấn Độ. Vào thời điểm giành được độc lập những năm cuối thập kỉ 40 của thế kỉ trước, khoảng một nửa hàng xuất khẩu của Pakistan được bán sang Ấn Độ, ngược lại, một nửa hàng xuất khẩu của Ấn Độ được chuyển đến Pakistan.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên nhanh chóng bốc hơi trong thập niên tiếp theo, cho đến khi cuộc chiến năm 1965 khiến hai bên không giao thương với nhau trong gần một thập kỉ.

Mối quan hệ của hai bên chưa bao giờ được phục hồi. Năm 2018, chỉ khoảng 1,8% hàng xuất khẩu của Pakistan được chuyển sang Ấn Độ, theo Bloomberg

Không phải biên giới, kinh tế mới là mặt trận quan trọng nhất trong xung đột Ấn-Trung - Ảnh 3.

Không có lí do trọng yếu nào khiến cho Trung Quốc và Ấn Độ nhất thiết phải trở thành đối thủ với nhau: Mỗi quốc gia có phạm vi ảnh hưởng khu vực riêng biệt.

Việc Ấn Độ ngày càng ngả về phía Mỹ trong thời gian gần đây có thể hiểu là động thái phản ứng lại khi Trung Quốc đang càng trở nên cứng rắn hơn. Một chính sách tốt hơn là Bắc Kinh nên nhận ra các dự án Vành đai và Con đường tại Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar đã khiến cho Ấn Độ cảm thấy bị vây hãm.

Các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại những nước trên dù sao cũng không mang lại kết quả tốt. Ấn Độ sẽ là điểm đến tốt hơn nhiều cho vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.

Trung Quốc nên nhận ra nước này sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của Ấn Độ, giống như những ích lợi các nước giàu có nhận được khi Trung Quốc trở nên sung túc hơn.

Điều này có nghĩa là Trung Quốc nên mở cửa thị trường nội địa cho các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Ấn Độ như công nghệ thông tin. Tinh gọn qui trình phê chuẩn cho dược phẩm Ấn Độ cũng sẽ giúp Trung Quốc giảm được giá thuốc cao ngất của mình.

Ấn Độ cũng sẽ chẳng mất gì, mà ngược lại còn được lợi nếu không quá khắt khe trong các qui định quản lí đầu tư nước ngoài. Các khoản đầu tư từ những doanh nghiệp tư nhân như Alibaba Group và Tencent Holdings rót vào ngành thương mại điện tử đang phát triển ở Ấn Độ nên được chào đón.

Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh hiện nay khi mà COVID-19 nhiều khả năng sẽ khuếch đại các vấn đề gây khó cho việc thu hút vốn từ nước ngoài.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang bùng nổ từ cái chết của những binh sĩ, có ít dấu hiệu cho thấy những ý kiến bình tĩnh và ôn hòa sẽ sớm được hoan nghênh. Thế nhưng cuộc đụng độ trước đó tại Himalaya hồi năm 2017 cũng không làm nguội lạnh đi mối quan hệ đang nồng ấm của hai nước khi đó.

Trong quá trình giải quyết xung đột hiện tại, Ấn Độ và Trung Quốc phải củng cố và tăng cường các liên kết kinh tế và xã hội, nếu không nhiều khả năng các xung đột trong tương lai sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Giang