|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc tái bùng phát ở Ấn Độ

07:59 | 19/06/2020
Chia sẻ
Một bộ trưởng liên bang Ấn Độ đã kêu gọi các nhà hàng không bán đồ ăn Trung Quốc. Đây là ví dụ điển hình trong phong trào tẩy chay đồ Trung Quốc mỗi khi biên giới hai nước leo thang căng thẳng sau các vụ đụng độ.
Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc tái bùng phát ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Đồ chơi Trung Quốc bày bán tại một khu chợ ở Kolkata, Ấn Độ tháng 11/2017. Ảnh: Reuters

Theo đài Sputnik, Bộ trưởng Tư pháp Xã hội liên bang Ramdas Athawale thuộc Đảng Cộng hòa – đối tác liên minh với đảng cầm quyền BJP - ngày 17/6 tuyên bố: “Tôi kêu gọi người dân hãy tẩy chay đồ ăn Trung Quốc”.

Trong khi đó, Swadeshi Jagaran Manch – một tổ chức chính trị ủng hộ đảng cầm quyền BJP – cũng phát động một chiến dịch không dùng sản phẩm và tiếp nhận đầu tư từ các công ty Trung Quốc vào Ấn Độ.

Ngày 16/6, Liên minh các Thương nhân Ấn Độ (CAIT) đã công bố một danh sách bao gồm hơn 500 sản phẩm Trung Quốc bị tẩy chay. Tổng Thư ký của tổ chức này ông Praveen Khandelwal yêu cầu những người nổi tiếng không được đại diện hình ảnh cho các sản phẩm của Trung Quốc.

Các sản phẩm liệt kê trong danh sách bao gồm hàng hóa tiêu dùng, vật liệu trang trí, vải dệt may, vật tư xây dựng, giày và đồ dùng nhà bếp.

“Bằng cách kêu gọi tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc này, mục tiêu của chúng tôi là giảm nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc tương đương với 13 tỷ USD tính đến tháng 12/2021”, nhà lãnh đạo cho hay.

Tổ chức này cho rằng 500 mặt hàng được lựa chọn không yêu cầu kỹ thuật cao để sản xuất, chính vì vậy các sản phẩm có thể được làm ngay tại Ấn Độ.

CAIT cũng kêu gọi những người nổi tiếng Ấn Độ dừng đại diện thương hiệu sản phẩm của Trung Quốc. “CAIT sẽ liên lạc với những nghệ sĩ như Deepika Padukone, Vicky Kaushal, Ranbir Kapoor, Katrina Kaif, Virat Kohli, Aamir Khan và Ranveer Singh để thuyết phục họ. Những người đó nên là một phần trong chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc vì quê hương”.

Tổ chức này tuyên bố đại diện cho 40,000 hiệp hội tại Ấn Độ. Ngày 10/6, CAIT đã chuẩn bị một danh sách gồm 3.000 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc tại Ấn Độ trỗi dậy sau khi biên giới hai nước này xảy ra một vụ đụng độ bạo lực vào ngày 16/6 tại miền Đông Ladakh, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. 

Phía Trung Quốc cũng thông báo bên mình xảy ra thương vong song không tiết lộ số liệu chi tiết. Cả New Delhi và Bắc Kinh đều đổ lỗi cho nhau cho vụ bạo lực. Trong hơn một tháng qua, căng thẳng vì tranh chấp biên giới vẫn âm ỉ giữa hai bên.

Ngày 17/6, khi đối thoại với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar nhấn mạnh “diễn biến bất ngờ” tại biên giới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ song phương.

Cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định sinh mạng của những binh sĩ Ấn Độ sẽ không là vô ích. Ông dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với tất cả các đảng đối lập vào ngày 19/6 để thảo luận về tình hình với Trung Quốc.

Hồng Hạnh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.