|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lí do Nga trở thành trung gian hòa giải trong xung đột Trung - Ấn

03:41 | 28/09/2020
Chia sẻ
Khi bộ trưởng ngoại giao hai nước Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý giảm căng thẳng ở vùng biên giới tranh chấp, không chỉ hai mà đến ba nước muốn “tranh công” trong bước đột phá này.

SCMP đưa tin, bên lề Hội nghị Thượng Đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải mới đây tại Moscow, Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov nói với phóng viên sau các cuộc đàm phán: "Chúng tôi rất vui khi Moscow đã đưa ra chương trình giúp Nga, Trung Quốc và Ấn Độ có một hội nghị rất hiệu quả và thành công với mục tiêu ổn định tình hình biên giới Trung - Ấn".

Trong khi các chuyên gia vẫn còn hoài nghi về mức độ lớn lao của bước đột phá mà thỏa thuận mang lại cho Trung Quốc và Ấn Độ vì hàng ngàn binh sĩ quân đội của hai nước ở biên giới vẫn còn trong tầm ngắm của đối phương, với Nga, chính cách mọi người nhìn nhận về hội nghị lần này đã được xem là một thắng lợi.

Bỗng nhiên, Moscow một lần nữa thấy họ ở sân khấu trung tâm của địa chính trị - và bức ảnh chính thức trong đó Lavrov cùng những người đồng cấp của Ấn Độ - S. Jaishankar và Trung Quốc - Vương Nghị đứng hai bên sẽ xóa bỏ mọi nghi ngờ.

Lí do Nga trở thành trung gian hòa giải trong xung đột Trung - Ấn - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đứng giữa hai ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ Hội nghị Thượng Đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hôm 19/9. (Ảnh: SCMP)

Các nhà quan sát cho rằng sự nhiệt tình của Nga trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán nên được coi là động thái mới nhất nhằm nâng cao vị thế của họ ở Nam Á.

Alexey Kupriyanov thuộc IMEMO, một viện phi lợi nhuận thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga có trụ sở tại Moscow, chỉ ra: “Nga sẽ trở lại Nam Á vì nhiều lý do”. 

Lý do chính trong số đó dường như là mong muốn trở lại chính trường lớn và giành lại tầm ảnh hưởng mà Moscow đã để mất trong những thập kỉ thảm khốc 1980 và 1990 khi sự sụp đổ của Liên Xô và cuộc khủng hoảng kinh tế đến ngay sau quyết định sai lầm là đưa quân vào Afghanistan.

Kể từ khi Vladimir Putin lên nắm quyền vào năm 2000, Nga đã công khai thể hiện sự nuối tiếc khi để mất vị thế siêu cường và nỗ lực để phục hồi ảnh hưởng, bắt đầu từ Tây Á và Châu Phi. Hiện tại, có vẻ như, sự tập trung của Moscow đang chuyển sang Nam Á.

Trong bối cảnh này, cuộc gặp mặt giữa hai Ngoại trưởng Jaishankar và Vương Nghị cùng với thỏa thuận hạ nhiệt đối đầu ngày càng bế tắc dọc theo 3.488 km đường biên giới chưa phân định giữa hai nước có thể được xem như một trong những thắng lợi ngoại giao quan trọng của Moscow trong những năm gần đây. 

Rốt cuộc, rõ ràng Nga đã thành công ở nơi Mỹ thất bại – khi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều từ chối đề nghị hòa giải của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó.

Đối với vài người, bối cảnh hiện nay gợi nhớ đến một chiến thắng khác của Moscow vào tháng 11 cách đây hai năm, khi Nga tổ chức một cuộc đối thoại giữa 11 quốc gia nhằm đem lại hòa bình cho Afghanistan (điều oái oăm với một số nhà phê bình khi xét đến lịch sử của Liên Xô).

Trong cuộc đối thoại, sáng kiến của Nga nhằm chống nỗ lực loại Moscow khỏi cuộc đối thoại về Afghanistan của Mỹ. Cao tay hơn Washington, Moscow đã thành công trong việc lôi kéo tất cả các nước chịu ảnh hưởng do sự bất ổn của Afghanistan trong nỗ lực tìm giải pháp và đã thu được uy tín ngoại giao lớn trong quá trình đối thoại. Điều đáng chú ý là Ấn Độ thuộc nhóm các quốc gia tham gia đàm phán lúc đó.

Đối với ông P.S. Raghavan, Chủ tịch Ban Cố vấn An ninh Quốc gia của Ấn Độ và là đại sứ của Ấn Độ tại Nga từ năm 2014 đến năm 2016, sự can dự của Nga đến Nam Á bao gồm cả yếu tố chiến thuật và chiến lược”.

Raghavan nhận định, về mặt chiến thuật, sự can dự của Nga vào Afghanistan là để chống lại áp lực của Mỹ và Phương Tây dọc theo biên giới nước này. Ông nói Moscow tin rằng Mỹ đang cố gắng gây bất ổn cho Nga bằng cách khuyến khích các phiến quân Nhà nước Hồi giáo rời Afghanistan và di chuyển đến Trung Á.

Nhạc Phong