|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xung đột biên giới Trung-Ấn lan sang mặt trận thương mại

10:12 | 29/06/2020
Chia sẻ
Chính phủ Ấn Độ đang xem xét áp đặt các hạn chế và tăng thuế quan đối với doanh nghiệp và hàng hóa Trung Quốc. Huawei là một trong số những mục tiêu mà chính phủ Ấn Độ nhắm đến.
Căng thăng biên giới Trung-Ấn lan sang mặt trận thương mại - Ảnh 1.

Một thành viên của Hiệp hội Sinh viên Quốc gia Ấn Độ tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại thành phố Ahmedabad, Ấn Độ vào ngày 18/6. Ảnh: Reuters

Theo Nikkei Asian Review, các biện pháp Ấn Độ cân nhắc bao gồm lệnh cấm sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei và các nhà cung cấp Trung Quốc khác. Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc cũng nằm trong tầm ngắm của Ấn Độ.

Sau cuộc đụng độ đẫm máu lần đầu tiên sau 45 năm giữa hai nước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khó có thể tỏ ra yếu đuối trước Trung Quốc. Nhưng việc cấm cửa các khoản đầu tư từ Trung Quốc có nguy cơ làm tổn hại tới nền kinh tế Ấn Độ.

Chuyên gia Harsh Pant tại Tổ chức Nghiên cứu Quan sát cho biết Ấn Độ "hoàn toàn không thể" loại trừ doanh nghiệp Trung Quốc khỏi tất cả các ngành công nghiệp của mình. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Ấn Độ. Năm 2018, hàng hóa Trung Quốc chiếm đến 14% tổng kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ.

Các phương tiện truyền thông Ấn Độ cho biết giới quan chức nước này đang xem xét nhiều động thái trừng phạt đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty viễn thông thuộc sở hữu nhà nước đã được chỉ thị không sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE để nâng cấp cơ sở hạ tầng 4G hoặc xây dựng mạng lưới 5G.

Căng thăng biên giới Trung-Ấn lan sang mặt trận thương mại - Ảnh 2.

Xe chở binh sĩ Ấn Độ di chuyển đến khu vực Ladakh của dãy núi Himalaya vào ngày 18/6. Ảnh: Reuters

Bang Maharashtra đã tạm hoãn thỏa thuận cho phép hãng sản xuất ô tô Great Wall Motor của Trung Quốc sử dụng nhà máy trong bang này. Great Wall đã chi 37,7 tỉ rupee (498 triệu USD) cho nhà máy này hồi tháng 1/2020. Ban đầu, Great Wall dự kiến sẽ bán ra thị trường những chiếc xe được sản xuất tại đây từ năm sau.

Maharashtra cũng dự kiến sẽ đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc liên quan tới xe buýt điện và máy móc.

Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu thảo luận tăng thuế quan áp cho điều hòa, phụ tùng ô tô, đồ nội thất và các mặt hàng khác nhập khẩu từ Trung Quốc, theo tin từ Bloomberg. Các qui định về chất lượng cũng đã được thắt chặt đối với ít nhất 370 loại hàng hóa có thể được sản xuất trong nước, bao gồm hóa chất và thép.

Chuyển biến tiêu cực đối với thương mại và đầu tư giữa hai nước diễn ra sau cuộc đụng độ biên giới ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Truyền thông Trung Quốc công bố rất ít thông tin về sự kiện trên, thậm chí còn không đăng tải con số thương vong của nước này. Ngược lại, mạng xã hội Ấn Độ lại ngập tràn các bài đăng và bình luận chống Trung Quốc, bao gồm cả những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa.

Nhưng rất nhiều lĩnh vực sản xuất Ấn Độ sẽ không thể vận hành nếu thiếu các sản phẩm Trung Quốc, ví dụ như thiết bị viễn thông và chất bán dẫn. Một số người có cái nhìn thực tế trong cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ cũng cảnh báo không nên trả đũa quá mức đối với doanh nghiệp Trung Quốc.

Nền kinh tế Ấn Độ đang đứng trước bờ vực khủng hoảng bắt nguồn từ đại dịch COVID-19. Mới đây Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2020 xuống còn -4,5%, đánh dấu năm suy sụp nặng nề nhất của kinh tế nước này kể từ khủng hoảng dầu mỏ cuối thập niên 70.

Hơn 500.000 người Ấn Độ đã được xác nhận nhiễm COVID-19, đa số là những người thuộc tần lớp nghèo khó. Mặc dù lệnh phong tỏa khu vực đô thị có hiệu lực đến hết tháng 6, một số nhà máy và nhà hàng đã được phép mở cửa trở lại. Động thái này bị chỉ trích là đã khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng hơn.

Giáo sư Srikanth Kondapalli tại Đại học Srikanth Kondapalli ở New Delhi cho biết tâm lí bất mãn đang dần hình thành trong xã hội Ấn Độ. Điều này có thể "dẫn đến một cuộc đụng độ quân sự lớn hơn", ông Kondapalli nói.

Giang