Biên giới căng thẳng, Ấn Độ cấm TikTok, WeChat và hàng chục ứng dụng Trung Quốc
Bộ Công nghệ Ấn Độ đã ban hành tuyên bố nêu rõ các ứng dụng bị cấm "gây thiệt hại cho chủ quyền, sự toàn vẹn, an ninh quốc gia và trật tự công cộng tại Ấn Độ".
Theo lệnh cấm, Google và Apple phải xóa các ứng dụng này khỏi nền tảng Android và iOS, Reuters đưa tin.
Động thái trên được đưa ra sau cuộc đụng độ chết người tại khu vực tranh chấp biên giới của Ấn Độ và Trung Quốc hôm 15/6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Theo Reuters, lệnh cấm mới có thể là một trở ngại lớn đối với các công ty Trung Quốc tại Ấn Độ, chẳng hạn như ByteDance khi mà hãng đang đặt cược lớn vào một trong các thị trường dịch vụ mạng lớn nhất thế giới này.
ByteDance (có trụ sở tại Bắc Kinh) có kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào Ấn Độ, mở một trung tâm dữ liệu địa phương và gần đây đã rầm rộ tuyển dụng nhân sự ở đất nước Nam Á này.
Theo công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower, Ấn Độ là nước có lượng cài đặt ứng dụng TikTok lớn nhất thế giới, chiếm 611 triệu lượt tải xuống trọn đời (tương đương 30,3% tổng lượt tải xuống).
Một số ứng dụng Trung Quốc nổi tiếng bị cấm khác còn có WeChat của Tencent, UC Browser của Alibaba và hai ứng dụng khác của hãng điện thoại Xiaomi. Tính đến nay, WeChat có hơn 100 triệu lượt tải về trên nền tảng Android của Google tại Ấn Độ.
Google cho biết họ đang chờ lệnh của chính phủ Ấn Độ, trong khi ByteDance và Apple không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Ông Santosh Pai - cố vấn cho công ty luật Ấn Độ có tên Link Legal, nhận định: "Đây là bước đi nhanh và mạnh mẽ nhất mà chính quyền Thủ tướng Narendra Modi có thể thực hiện để gây áp lực kinh tế lên các doanh nghiệp Trung Quốc".
Căng thẳng biên giới đẩy tâm lí phẫn nộ của người dân Ấn Độ lên cao, thúc đẩy họ kêu gọi tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc. Phong trào chống Trung Quốc đã sục sôi từ lâu tại Ấn Độ do các cáo buộc liên quan đến việc Trung Quốc ồ ạt đẩy hàng giá rẻ vào đất nước Nam Á này.
Tuần trước, hải quan Ấn Độ tại các cảng biển đã thu giữ một số container chở hàng đến từ Trung Quốc, trong đó có chứa sản phẩm của Apple, Cisco và Dell.