|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

6 điểm chứng minh Ấn Độ khó trả đũa Trung Quốc bằng kinh tế

16:36 | 29/06/2020
Chia sẻ
Khi căng thẳng biên giới Trung - Ấn bùng nổ sau cuộc đụng độ chết người vừa qua, công chúng tại đất nước Nam Á đã bắt đầu kêu gọi tẩy chay hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, BloombergQuint nhận định trả đũa về thương mại là điều không hề dễ dàng khi hai nền kinh tế lớn này có không ít "dây mơ rễ má" với nhau.
6 điểm chứng minh Ấn Độ khó trả đũa Trung Quốc bằng kinh tế - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: AP)

Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới, GDP đạt khoảng 13,6 nghìn tỉ USD, còn Ấn Độ hiện đang xếp thứ ba châu Á với GDP khoảng 2,7 nghìn tỉ USD.

Từ cung ứng linh kiện và nguyên liệu thô đến đầu tư vào các startup và công ty công nghệ Ấn Độ, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của đất nước Nam Á này sau Mỹ.

Thương mại song phương Trung - Ấn

Trong năm tài khóa 2019 - 2020, Trung Quốc chiếm hơn 5% tổng xuất khẩu của Ấn Độ và hơn 14% tổng nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là Ấn Độ đang ghi nhận mức thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc - nhà xuất khẩu lớn nhất sang nước này.

Về số tuyệt đối, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc của Ấn Độ có thể đã giảm. Tuy nhiên, trong năm tài khóa trước thì tỉ trọng trong "chiếc bánh chung" lại tăng từ mức 13,68% lên 14,09%. Theo dữ liệu từ Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Quốc gia Invest India, Ấn Độ là điểm đến xuất khẩu lớn thứ 7 của Trung Quốc.

6 điểm chứng minh Ấn Độ khó trả đũa Trung Quốc bằng kinh tế - Ảnh 2.

Tỷ giá qui đổi: 1 USD=75,6 INR (rupee Ấn Độ)

Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, hàng hóa xuất từ Trung Quốc sang nước này bao gồm điện thoại thông minh, thiết bị điện, thiết bị đầu vào nhà máy điện, phân bón, linh kiện ô tô, thành phẩm thép, tư liệu sản xuất (nhà máy điện, thiết bị viễn thông, toa tàu điện ngầm, sản phép sắt thép, dược phẩm, hóa chất, nhựa và hàng kĩ thuật).

6 điểm chứng minh Ấn Độ khó trả đũa Trung Quốc bằng kinh tế - Ảnh 3.

Theo Invest India, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc của Ấn Độ đã tăng 45 lần kể từ năm 2000 lên mức 70 tỉ USD trong năm tài khóa 2018 - 2019.

6 điểm chứng minh Ấn Độ khó trả đũa Trung Quốc bằng kinh tế - Ảnh 4.

Đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Ấn Độ thường tập trung vào các ngành luyện kim, năng lượng tái tạo (tấm pin mặt trời), thiết bị điện, ô tô và hóa chất.

Dữ liệu do BloombergQuint tổng hợp từ chỉ số China Global Investment Tracker cho thấy tổng vốn FDI mà Trung Quốc rót vào Ấn Độ đạt 4,14 tỉ USD năm 2019. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc lại công bố con số 8 tỉ USD cho năm tài khóa 2018 - 2019.

6 điểm chứng minh Ấn Độ khó trả đũa Trung Quốc bằng kinh tế - Ảnh 5.

Theo Invest India, hiện có khoảng 800 công ty Trung Quốc hoạt động tại Ấn Độ với khoảng 75 cơ sở sản xuất điện thoại thông minh, thiết bị tiêu dùng, thiết bị xây dựng, thiết bị điện, ô tô, cáp quang và hóa chất.

Oppo, Vivo, Fosun International, SAIC và Midea là một số thương hiệu và nhà sản xuất lớn của Trung Quốc tại Ấn Độ.

Ở chiều ngược lại, một số công ty lớn của Ấn Độ như Adani Global, Jindai Steel & Power,... cũng đang hoạt động tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, số liệu FDI lại không thể đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh về cơ hội kinh doanh của Trung Quốc tại Ấn Độ.

Trung Quốc rót vốn vào Ấn Độ qua đường vòng

Một báo cáo của viện chính sách Gateway House cho biết các quĩ và công ty Trung Quốc thường đầu tư vào Ấn Độ thông qua các văn phòng ở Singapore, Hong Kong và Mauritius.

Ví dụ, khoản đầu tư trăm triệu USD của Alibaba Group vào công ty khởi nghiệp Paytm được thực hiện thông qua Alibaba Singapore Holdings. Các số liệu này không được ghi nhận trong dữ liệu của chính phủ Ấn Độ như một khoản đầu tư của Trung Quốc, bản báo cáo trên nêu rõ.

"Trong các trường hợp đó, khoản đầu tư vào Ấn Độ không được thực hiện dưới danh nghĩa một nhà đầu tư/tổ chức Trung Quốc, và do đó rất khó để theo dõi", BloombergQuint dẫn báo cáo của Gateway House thông tin.

Giới đầu tư công nghệ Trung Quốc ước tính đã rót khoảng 4 tỉ USD vào các công ty khởi nghiệp Ấn Độ. Tính đến tháng 3/2020, 18 trong 30 kì lân của Ấn Độ có nhận tài trợ của Trung Quốc.

6 điểm chứng minh Ấn Độ khó trả đũa Trung Quốc bằng kinh tế - Ảnh 6.

Các ông lớn Trung Quốc thống trị thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ

Theo một báo cáo khác của Gateway House, các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc, dẫn đầu là Xiaomi, Vivo và Oppo, đang chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ với tổng cộng 72% thị phần. Dữ liệu hàng quí của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint chứng thực điều này.

6 điểm chứng minh Ấn Độ khó trả đũa Trung Quốc bằng kinh tế - Ảnh 7.

Ngoài ra, TikTok là ứng dụng di động duy nhất do Trung Quốc hậu thuẫn có lượng lớn người dùng tại Ấn Độ. Theo báo cáo The State of Mobile năm 2019 của nền tảng App Annie, số lượt tải ứng dụng trong giai đoạn 2016 - 2018 của Ấn Độ tăng 165%.

Phân nửa lượt tải xuống trên cả iOS và Google Play Store đều liên quan đến các ứng dụng nhận vốn đầu tư của Trung Quốc như UC Browser, SHAREit và Vigo Video.

"Các ứng dụng Trung Quốc đang thu thập lượng dữ liệu nhiều hơn thông thường so với các ứng dụng mạng xã hội khác, gây ra mối lo ngại về bảo mật cho Ấn Độ" viện chính sách Gateway House cho biết.

Ngành dược Ấn Độ phụ thuộc lớn vào Trung Quốc

Ngành dược phẩm của Ấn Độ hiện đang đứng thứ ba thế giới về qui mô và xếp thứ 14 theo giá trị. Ấn Độ xuất khẩu hơn 14 tỉ USD dược phẩm đến Mỹ trong năm tài khóa 2018 - 2019, theo báo cáo của tổ chức chính phủ Rajya Sabha hồi tháng 3.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo trên, Ấn Độ nhập khẩu 2/3 lượng thành phần hoạt tính, hay thành phần chính của thuốc, từ Trung Quốc.

6 điểm chứng minh Ấn Độ khó trả đũa Trung Quốc bằng kinh tế - Ảnh 8.

Du lịch Trung - Ấn

Hoạt động du lịch giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang dần phát triển, hoặc ít nhất là đang khởi sắc trước đại dịch COVID-19.

Trung Quốc đại lục là thị trường lớn thứ 8 của Ấn Độ trong năm 2018, tỉ trọng khách Trung Quốc trong tổng lượt khách đến đất nước Nam Á này đạt gần 3%.

Theo dữ liệu của Bộ Du lịch Ấn Độ, chỉ từ 1.371 lượt khách vào năm 1981, nước này đã đón đến 280.000 lượt khách du lịch Trung Quốc trong năm 2018, tăng trưởng so với cùng kì năm trước đạt 32,4%.

Gần 48% lượt khách đến để công tác, trong khi 48% khác đến để vui chơi, giải trí.

6 điểm chứng minh Ấn Độ khó trả đũa Trung Quốc bằng kinh tế - Ảnh 9.

Yên Khê