|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hàng hóa Trung Quốc ùn ứ tại cảng, doanh nghiệp Ấn Độ như ngồi trên đống lửa

18:01 | 30/06/2020
Chia sẻ
Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang chất đống tại các cảng Ấn Độ chờ được thông quan. Sự việc này dấy lên lo ngại rằng cuộc đụng độ tại biên giới Trung - Ấn hồi giữa tháng 6 có thể gây ra thiệt hại về kinh tế, thậm chí có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng.
Hàng hóa Trung Quốc ùn ứ tại cảng Ấn Độ không rõ lí do - Ảnh 1.

Các lô hàng Trung Quốc bị ùn ứ tại nhiều cảng biển trên khắp Ấn Độ mà không rõ nguyên do. (Ảnh: Bloomberg)

Theo Bloomberg, doanh nghiệp Ấn Độ nhập khẩu lượng lớn nguyên, vật liệu thô của Trung Quốc để sản xuất thành phẩm trong nước. Các nhóm nguyên, vật liệu thô này khá đa dạng, từ thành phần hoạt tính để chế tạo dược phẩm đến linh kiện của các dòng điện thoại động phổ thông.

Các lô hàng này đang bị ùn ứ tại các cảng biển của Ấn Độ và doanh nghiệp cũng không rõ lí do tại sao.

"Cơ quan hải quan Ấn Độ không thông quan cho các lô hàng đến từ Trung Quốc và cũng không đưa ra bất kì lí do cụ thể nào", ông Dinesh Dua - Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dược phẩm Ấn Độ, chia sẻ với Bloomberg qua điện thoại. "Đã 5 ngày trôi qua và chúng tôi chưa thể nhập nguồn hàng từ Trung Quốc".

Ông Dua - hiện cũng là CEO công ty dược Nectar Lifesciences, cho biết ông đã viết thư gửi đến các bộ chịu trách nhiệm về dược phẩm và thương mại trong chính phủ Ấn Độ để tìm kiếm sự giúp đỡ vì công ty của ông phải chi khoảng 350.000 rupee (tương đương 4.630 USD)/ngày để trả phí lưu container tại cảng.

Theo đưa tin từ Bloomberg, các hãng sản xuất thiết bị điện tử Ấn Độ cũng có cùng mối quan tâm. Ngoài ra, các công ty này còn lo lắng không biết sẽ vận hành nhà máy như thế nào khi mà chỉ vừa mới mở cửa trở lại sau phong tỏa lại thiếu nguyên vật liệu để sản xuất.

"5 lô hàng của chúng tôi đang bị kẹt tại cảng", ông Sudhir Hasija - Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của công ty Karbonn Mobiles chuyên sản xuất điện thoại thông minh, bộ sạc và đầu thu truyền hình, cho hay.

"Chính phủ đã thu thuế hải quan cũng như thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) đối với 5 lô hàng. 100% khâu kiểm tra cũng đã thực hiện xong. Bây giờ hải quan nói họ đang chờ đợi chỉ thị từ một ai đó mà tôi còn không biết là ai. Tôi chưa nhận được bất kì thông tin liên lạc nào", ông Hasija nói tiếp.

Doanh nghiệp Ấn Độ lo lắng rằng họ có thể trở thành nạn nhân của một cuộc chiến thương mại giữa hai gã khổng lồ châu Á sau cuộc đụng độ chết người tại biên giới hồi giữa tháng 6.

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết chính quyền Thủ tướng Narendra Modi có kế hoạch áp các biện pháp kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, cùng thuế quan cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vào ngày 29/6, Bộ Công nghệ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm 59 ứng dụng di động, mà chủ yếu là của Trung Quốc, như một biện pháp đáp trả Trung Quốc. Bộ này tuyên bố rằng các ứng dụng bị cấm "gây thiệt hại cho chủ quyền, sự toàn vẹn, an ninh quốc gia và trật tự công cộng tại Ấn Độ".

Ông Nitin Gadkari - Bộ trưởng phụ trách các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chính phủ Ấn Độ, cho biết động thái cấm thông quan các lô hàng Trung Quốc tại cảng nội địa sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Ấn Độ đặt hàng trước khi xung đột biên giới xảy ra.

Ông Gadkari cho biết bộ của ông đang tích cực làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Thương mại để giải quyết bế tắc này.

Ở diễn biến khác, ông Yogesh Baweja - phát ngôn viên Bộ Thương mại Ấn Độ, đã từ chối đưa ra bình luận, trong khi ông Rajesh Malhotra - đại diện cho Bộ Tài chính, không phản hồi cuộc gọi sau giờ hành chính ở New Dehli hôm 29/6.

Ít nhất 6 công ty trên khắp Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng ùn ứ tại các cảng biển của nước này, Bloomberg dẫn lời ông Daara Patel - Tổng thư kí của Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm Ấn Độ thông tin.

Hàng hóa Trung Quốc ùn ứ tại cảng Ấn Độ không rõ lí do - Ảnh 2.

Ông Patel cho hay các doanh nghiệp đang "rất lo lắng và quan ngại về thái độ của các cơ quan hải quan trên khắp cả nước".

Mặc dù các hãng dược Ấn Độ thường dự trữ thành phần hoạt tính đủ dùng cho ba tháng, ngành kháng sinh có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu tình trạng ách tắc kéo dài vì ngành này phụ thuộc đặc biệt lớn vào nguyên liệu từ Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ cũng cảnh báo rằng việc hàng loạt container hàng bị ùn ứ tại cảng biển có thể gây tổn hại cho các hãng chế tạo.

Còn ông Pankaj Mohindroo - Chủ tịch Hiệp hội Di động và Điện tử Ấn Độ (tổ chức đại diện cho các công ty như Apple và Micromax Informatics), cho biết hiệp hội đang đàm phán với chính phủ để giải quyết vấn đề.

Khả Nhân