[Infographic] Nhìn lại cán cân Trung Quốc - Ấn Độ giữa căng thẳng biên giới
Ngày 15/6 năm nay, một trận chiến giáp lá cà đổ máu đã diễn ra giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở thung lũng Galwan gần khu vực tranh chấp biên giới.
Tuy không có bom rơi đạn nổ - chỉ có gạch đá và gậy gộc, nhưng ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng, phía Trung Quốc không công bố con số thương vong nhưng Ấn Độ ước tính cũng có vài chục người chết.
Hai cường quốc châu Á đã bất hòa từ hơn nửa thế kỉ trước vì vấn đề chủ quyền đối với cao nguyên Aksai Chin. Ấn Độ khăng khăng cao nguyên này thuộc tỉnh Kashmir còn Trung Quốc tuyên bố Aksai Chin là một phần của tỉnh Tân Cương.
Năm 1962, một cuộc chiến ác liệt kéo dài một tháng đã làm cho khoảng 1.400 binh sĩ Ấn Độ và hơn 700 quân nhân Trung Quốc bỏ mạng. Kết quả, Trung Quốc nắm quyền kiểm soát cao nguyên Aksai Chin.
Hai bên sau đó không đàm phán chính thức để phân bịnh biên giới mà chỉ xác định một Đường Kiểm soát Thực tế (Line of Actual Control – LAC) và xung đột thường xuyên nổ ra ở khu vực ranh giới mù mờ này.
Vào các năm 1967 và 1975, xung đột tái diễn làm nhiều binh sĩ của hai bên tử thương. Sau đó Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục đụng độ vào các năm 1987 và 2017 nhưng không có ai thiệt mạng.
Cuộc xung đột ngày 15/6 vừa qua là lần đầu tiên kể từ năm 1975 hai cường quốc hạt nhân châu Á này có người chết vì tranh chấp biên giới.
Vài ngày sau, Ấn Độ cho phép các binh sĩ triển khai ở khu vực Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) được 'toàn quyền quyết định hành động' để 'xử lí tình hình ở mức chiến thuật', tức là được phép nổ súng nếu cảm thấy cần thiết.
Hiện nay, căng thẳng về quân sự còn chưa được giải quyết dứt điểm và đang có dấu hiệu lan sang mặt trận kinh tế. Tâm lí bài xích Trung Quốc tại Ấn Độ đang lên cao. Chính phủ Ấn Độ cân nhắc bao gồm lệnh cấm sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei, ZTE và các nhà cung cấp Trung Quốc khác.
Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc cũng nằm trong tầm ngắm của Ấn Độ. Nhiều chuyến hàng nguyên vật liệu từ Trung Quốc tới Ấn Độ đang ùn ứ tại cảng mà không được thông quan, khiến giới doanh nghiệp đứng ngồi không yên.