Ấn Độ huy động sàn thương mại điện tử vào chiến dịch tẩy chay hàng Trung Quốc
The Economic Times đưa tin chính phủ Ấn Độ yêu cầu các doanh nghiệp thương mại điện tử như Flipkart và Amazon Ấn Độ phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm mới để hạn chế hàng Trung Quốc trước ngày 1/8. Đối với những sản phẩm mà thương nhân đã niêm yết từ trước, thời hạn để ghi nguồn gốc xuất xứ là ngày 1/10.
Nhiều doanh nghiệp đề nghị chính phủ lùi thời hạn để kịp kê khai nguồn gốc xuất xứ của hàng triệu sản phẩm mà thương nhân bán trên mạng. Flipkart lập luận rằng giới chức nên áp dụng qui định theo từng đợt, đồng thời phối hợp chặt chẽ hơn với các nhà sản xuất và hãng bán lẻ.
Trong những ngày tới, các cơ quan quản lí Ấn Độ sẽ thảo luận với hàng chục hãng bán lẻ trực tuyến về qui định.
Giới phân tích nhận định chính phủ Ấn Độ quyết tâm hạn chế số lượng hàng hóa Trung Quốc tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Chủ trương ấy cũng sẽ góp phần kích thích các nhà sản xuất trong nước.
Đầu tháng 7, Ấn Độ đã cấm hơn 50 ứng dụng di động Trung Quốc hoạt động, bao gồm WeChat, TikTok, Baidu Maps và nhiều ứng dụng phổ biến khác. Hàng triệu người tiêu dùng và doanh nghiệp Ấn Độ hưởng ứng mạnh mẽ phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc.
Từ giữa tháng 6, Liên đoàn Thương nhân Ấn Độ - với thành viên gồm 70 triệu thương nhân - hô hào mọi người tẩy chay hàng Trung Quốc. Việc thông quan smartphone và dược phẩm Trung Quốc bị hoãn lại ở các cửa khẩu từ tháng 6.
Các tập đoàn công nghiệp Ấn Độ cũng thể hiện thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Tuần trước JSW Group, một trong những nhà sản xuất thép hàng đầu Ấn Độ, tuyên bố họ sẽ giảm mức độ nhập khẩu từ Trung Quốc từ mức 400 triệu USD năm ngoái xuống 0 USD trong 2 năm tới.
Kết quả một khảo sát của LocalCircles cho thấy đến 87% người dân Ấn Độ sẵn sàng tẩy chay hàng Trung Quốc hoặc ngừng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc như WeChat, Xiaomi, Huawei, TikTok trong ít nhất một năm.
Qui định mua hàng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa của Ấn Độ cũng thay đổi theo hướng ưu tiên sản phẩm xuất xứ nội địa. Vì thế, hàng nghìn tấn hàng hóa từ Trung Quốc mắc kẹt ở cảng Chenai - cảng hàng hóa lớn nhất Ấn Độ - vì hải quan Ấn Độ hoãn thông quan hàng hóa sau vụ đụng độ ở biên giới Ấn - Trung.
Linh kiện, phân bón, dầu mỏ và xe hơi là những loại sản phẩm mà hải quan Ấn Độ hoãn thông quan. Họ sẽ kiểm duyệt 100% trước khi cho chúng thông quan để vào thị trường nội địa.
Nhiều năm qua Trung Quốc là nhà cung cấp quan trọng của các ngành công nghiệp Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc tăng từ 3% tổng nhập khẩu của Ấn Độ hồi năm 2000 lên 14% trong năm nay, theo số liệu thống kê của Motilal Oswal.
Ngành dược phẩm Ấn Độ mua 70% nhiên liệu từ Trung Quốc, trong khi thị trường điện thoại di động chịu sự chi phối hoàn toàn của các nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt là Xiaomi. Khoảng 25% phụ tùng xe hơi nhập khẩu vào Ấn Độ đến từ Trung Quốc.
Sau vụ đụng độ tại biên giới khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc bùng lên và lan rộng tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Chính quyền Ấn Độ cũng triển khai hàng loạt biện pháp cắt giảm quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/