Vừa mất thị trường Ấn Độ, TikTok đối mặt rủi ro mới từ Tổng thống Donald Trump
Hôm 7/7, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Tổng thống Donald Trump thông báo chính phủ của ông đang cân nhắc khả năng cấm ứng dụng video ngắn TikTok tại Mỹ, theo Bloomberg.
"Đó là một việc mà chúng tôi đang xem xét. Đây là một việc lớn. Chúng ta hãy nhìn cách Trung Quốc xử lí COVID-19. Hành động của họ đối với Mỹ và toàn thế giới thật đáng hổ thẹn", ông bình luận.
Trump không nói chi tiết về quyết định mà ông có thể đưa ra. Vị tổng thống nói cấm TikTok chỉ là một trong những cách mà ông cân nhắc để trả đũa Bắc Kinh.
Mức độ ủng hộ Trump đang giảm dần do cách ông ứng phó đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng khiến hơn 130.000 người Mỹ thiệt mạng. Công chúng chỉ trích ông bởi nhiều vấn đề, chẳng hạn như từ chối kêu gọi người dân đeo khẩu trang.
Ban lãnh đạo TikTok đang cố gắng trấn an giới chức Mỹ. Họ khẳng định họ không cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, họ còn nhấn mạnh rằng giám đốc điều hành TikTok là một công dân Mỹ và tạo ra hàng trăm việc làm cho người Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News hôm 6/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ Mỹ đang "xem xét" cấm Tik Tok và các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc khác.
Vận rủi về chính trị của TikTok xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang và Mỹ ngày càng giám sát chặt chẽ các công ty công nghệ Trung Quốc.
Ông Pompeo nhắc lại rằng Mỹ đã cảnh báo cả thế giới về mối nguy hiểm từ Huawei và ZTE, đồng thời tuyên bố hai tập đoàn Trung Quốc này là mối đe dọa an ninh quốc gia.
"Về vấn đề ứng dụng Trung Quốc trên điện thoại của người dân, nước Mỹ cũng sẽ đưa ra cách xử lí đúng", ông nói thêm.
Washington đã phát động chiến dịch chống lại công ty công nghệ Trung Quốc, tiêu biểu là Huawei. TikTok rơi vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ từ năm ngoái. Washington lo ngại rằng TikTok có thể kiểm duyệt nội dung của người dùng và chuyển dữ liệu cho Bắc Kinh.
Theo CNBC, TikTok đã cố gắng tách biệt với ByteDance, công ty mẹ có trụ sở tại Bắc Kinh. Hồi tháng 5/2020, TikTok mời ông Kevin Mayer, một cựu giám đốc cấp cao của Disney về làm CEO.
Nhưng chính quyền Tổng thống Trump vẫn nghi ngờ TikTok. Khi được hỏi liệu người Mỹ có nên tải ứng dụng TikTok không, ông Pompeo trả lời: "Bạn chỉ nên làm vậy nếu muốn thông tin cá nhân rơi vào tay Trung Quốc".
TikTok đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ trên toàn thế giới. Mới đây, Ấn Độ đã cấm TikTok và hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác nhằm đáp trả cuộc đụng độ ở biên giới hai nước khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong.
Cũng trong ngày 6/7, TikTok thông báo kế hoạch rút khỏi thị trường Hong Kong giữa những bất ổn xoay quanh đạo luật an ninh quốc gia có hiệu lực từ tuần trước.
Người phát ngôn của TikTok nói với CNBC: "Trước những sự kiện gần đây, chúng tôi đã quyết định ngừng hoạt động của ứng dụng TikTok tại Hong Kong".
"TikTok được lãnh đạo bởi một CEO người Mỹ, hàng trăm nhân viên và các quản lí chủ chốt về an toàn, bảo mật, sản phẩm và chính sách công của TikTok cũng ở Mỹ. Ưu tiên quan trọng nhất của chúng tôi là thúc đẩy trải nghiệm ứng dụng an toàn và bảo mật cho người dùng. Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc và cũng không nhận được yêu cầu như vậy", người phát ngôn này khẳng định.
Các hãng công nghệ khác cũng bày tỏ quan ngại về luật an ninh quốc gia mới tại Hong Kong. Nhiều công ty lớn của Mỹ cho biết họ đã tạm ngừng hợp tác với chính quyền Hong Kong và từ chối yêu cầu cung cấp dữ liệu, bao gồm Google và Facebook. Twitter cũng có động thái tương tự.
Các công ty đó đều bị cấm tại Trung Quốc đại lục nhưng được phép hoạt động ở thị trường Hong Kong.
Các công ty công nghệ thường tuân thủ yêu cầu cung cấp dữ liệu từ cơ quan hành pháp khi tin rằng chúng phù hợp với luật pháp của quốc gia yêu cầu thông tin.