Ấn Độ còn lựa chọn nào tốt hơn để kiềm chế lạm phát ngoài việc cấm xuất khẩu gạo?
Theo Nikkei Asia, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tháng trước đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati nhằm kiềm chế giá trong nước tăng cao.
Cách đây gần một một năm, nước này từng cấm xuất khẩu gạo tấm và sau đó áp thuế 20% đối với xuất khẩu các loại gạo khác nhau.
Thái Lan từng là quốc gia đứng đầu trong xuất khẩu gạo trên thế giới trong thời gian dài nhưng đã tụt lại phía sau Ấn Độ cách đây 10 năm do một số chính sách sai lầm của Băng Cốc. Tuy nhiên, việc Ấn Độ liên tục đưa những chính sách về hạn chế nguồn cung ra nước ngoài trong thời gian gần đây có thể đưa Thái Lan trở lại vị trí ngôi vương của mình.
Ấn Độ hiếm chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu của toán cầu, cung cấp ngũ cốc cho hơn 130 quốc gia. Gạo trắng non-basmati và gạo tấm chiếm gần một nửa trong tổng số 22 triệu tấn tấn gạo Ấn Độ cung cấp cho các nước.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực châu Á và Châu Phi. Điều này đồng thời làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực. Một số nhà phân tích dự đoán giá gạo toàn cầu có thể tăng tới 15%, trong bối cảnh lo ngại việc Nga rút khỏi thoả thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Tình trạng hoảng loạn, tranh giành mua gạo Ấn Độ đã xuất hiện ở những quốc gia có đông cộng đồng người di cư sinh sống như Canada và Mỹ.
Theo Đạo luật An ninh Lương thực Quốc gia năm 2013, chính phủ Ấn Độ phân phối gạo và lúa mì cho hơn 800 triệu dân nước này. Để đáp ứng cam kết, Tập đoàn Lương thực Ấn Độ (FCI) hàng năm thu mua khoảng 40 triệu tấn gạo.
Tính đến tháng 7, FCI có 41 triệu tấn gạo và 30 triệu tấn lúa mì trong kho dự trữ. Với định mức dự trữ hiện tại của chính phủ, Ấn Độ khá thoải mái trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước.
Kể từ năm 2020, Ấn Độ đã sử dụng một lượng gạo dự trữ dư thừa nhất định để sản xuất ethanol. FCI đã bán khoảng 1,3 triệu tạo để sản xuất ethanol trong năm tài chính kết thúc đến tháng 6/2023. Tuy nhiên, việc này đã bị dừng lại vào tháng 7 do lo ngại giá ngũ cốc tăng và tác động tiêu cực của những đợt nắng nóng đối với hoạt động sản xuất gạo.
Giá thực phẩm bản lẻ tại Ấn Độ đã tăng 11,5% trong năm qua. Lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào tháng 9 năm ngoái và thuế xuất khẩu 20% áp dụng đối với một số loại gạo khác như thóc, gạo lứt,… không làm gián đoạn “dòng chảy” của gạo ra nước ngoài như mọi người nghĩ.
Theo dữ liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, lượng gạo tấm xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm xuống 30.000 tấn vào tháng 11 năm ngoái từ 364.000 tấn vào tháng 8/2022, nhưng sau đó dần hồi phục và đạt 210.000 tấn vào tháng 3/2023.
Trong khi đó, xuất khẩu gạo non-basmati tăng từ 1,42 triệu tấn vào tháng 9/2022 lên khoảng 1,91 triệu tấn vào tháng 3/2023.
Những con số ổn định này nhấn mạnh nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đối với ngũ cốc Ấn Độ trong bối cảnh nguồn cung lương thực bị gián đoạn do chiến tranh Ukraine, biến đổi khí hậu và các yếu tố khác.
Ấn Độ không thể coi việc dẫn đầu xuất khẩu gạo trên toàn cầu là điều hiển nhiên. Việc liên tục thay đổi chính sách sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các nhà xuất khẩu Ấn Độ và người mua có thể chuyển sang các nhà cung cấp đáng tin cậy hơn.
Đến nay, lệnh cấm xuất khẩu gạo đã gây ra tình trạng đầu cơ hoảng loạn, đẩy giá gạo toàn cầu lên cao hơn. Các nhà xuất khẩu và thương nhân Ấn Độ hiện đã từ chối cơ hội xuất khẩu. Điều này có thể khiến giá gạo thu mua từ nông dân giảm.
Lệnh cấm xuất khẩu chỉ đơn giản là phản tác dụng về mặt giải quyết hiệu quả lạm phát trong nước. Thay vào đó, chính phủ nên dùng đến nguồn hàng ngũ cốc từ các kho dự trữ, như đã từng làm trước đây để xoa dịu nỗi lo lạm phát, hoặc mở rộng mạng lưới an toàn cho người tiêu dùng thu nhập thấp. Ấn Độ có thể hành động đảm bảo lợi ích cho cả người dân nước mình và những nước phụ thuộc vào nhập khẩu gạo.