Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, chuyên gia cảnh báo doanh nghiệp tránh 'đu đỉnh'
Cùng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, xung đột chính trị, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến khó lường, giá gạo tăng nóng.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cập nhật đến ngày 18/8, giá gạo 5% trên thị trường đang được giao dịch ở mức 628 USD/tấn, tăng 37% so với mức 458 USD thời điểm cuối năm 2022, đầu 2023. Giá gạo 25% tấm đang xuất khẩu ở mức 618 USD/tấn, tăng 41%.
Giá các mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam đều cao hơn so với các đối thủ khac như Thái Lan, Pakistan.
Bàn luận về thị trường gạo, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính cho biết giá gạo của nước ta đắt nhất thế giới là một tin vui, tuy nhiên sự biến động về giá này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, giá gạo tăng và đứng ở mức rất cao nhưng sau đó sẽ giảm xuống và trở về mức cân bằng, mức này thường thấp hơn mức đã lập đỉnh khá nhiều.
“Các doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng, nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, đu đỉnh có thể dẫn đến già néo đứt dây”, PSG. TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.
Khi giá cả các mặt hàng nói chung và mặt hàng gạo nói riêng biến động mạnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, tích trữ.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết thị trường đã bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Đây là hành vi lợi dụng thị trường để đẩy cao giá lúa gạo một cách vô lý, trong khi mặt hàng lúa gạo vốn chiếm phần lớn trong ‘rổ’ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước ta.
Khi mặt hàng thiết yếu này tăng giá đột ngột sẽ knhiều mặt hàng khác tăng theo như bún, phở, các loại dịch vụ. Do vậy, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng Chính phủ và các bộ ngành cần kiểm soát tốt, không để giá gạo tăng đột biến, gây ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã liên tục đưa ra khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu gạo về việc vừa tận dụng được cơ hội xuất khẩu gạo, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Trong đó, mục tiêu về cung cấp đủ lương thực cho hơn 100 triệu dân vẫn được đặt lên hàng đầu bởi nếu chạy theo giá gạo tăng sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và thế giới có nhiều nước xuất khẩu gạo, không phải riêng Việt Nam.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng điều quan trọng lúc này là các doanh nghiệp cần bám sát thị trường, làm ăn tử tế, trách nhiệm.
“Không thể vì giá lúa gạo tăng cao mà ta tăng theo mãi. Chúng ta đừng quá đặt lợi ích ngắn hạn mà phải tìm cách giữ được bạn hàng. Giả thiết đặt ra, nếu như Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lúa gạo, đôi khi ta lại trượt chân trên chính sân nhà”, chuyên gia Vũ Vinh Phú lưu ý.