|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lũ lụt tàn phá vụ lúa của Trung Quốc, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu gạo?

07:43 | 18/08/2023
Chia sẻ
Thời tiết cực đoan ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo của nước này. Trường hợp thị trường 1,4 tỷ dân tăng nhập khẩu gạo Việt Nam, 22 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc có thể hưởng lợi.

Cơ hội mở ra cho 22 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc

Sau khi Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ nhất thế giới ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường thì những tin tức liên quan đến lũ lụt tàn phá vụ lúa ở Trung Quốc lại khiến thị trường gạo toàn cầu trở lên nóng hơn.

Tờ CNBC cho biết Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo lũ lụt đối với 3 tỉnh chiếm 23% sản lượng gạo nội địa bao gồm Nội Mông, Cát Lâm và Hắc Long Giang. Fitch Ratings cho biết mưa lớn ở khu vực sản xuất ngũ cốc phía bắc Trung Quốc sẽ làm giảm sản lượng và có khả năng gây áp lực tăng giá gạo toàn cầu vốn đã ở mức cao.

Việc Trung Quốc liên tục phải đối mặt với hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn hán và lũ lụt khiến mùa màng của nước này bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lương thực của thị trường 1,4 tỷ dân dự kiến phục hồi sau đại dịch, điều này có thể mở ra cơ hội cho các nhà cung cấp gạo cho Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Phước Thành IV cho rằng trường hợp Trung Quốc phải tăng nhập khẩu gạo Việt Nam, chỉ có 22 doanh nghiệp được Cơ quan giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) phê duyệt xuất khẩu sang Trung Quốc hưởng lợi, còn 207 doanh nghiệp khác sẽ khai thác các thị trường tiềm năng khác.

Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Thành cho rằng ở thời điểm này, các doanh nghiệp chủ yếu trả các đơn hàng cho các đối tác truyền thống, không dám ký thêm nhiều đơn hàng vì lo ngại không mua được lúa.

Còn theo quan điểm của ông Phan Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH Vrice, dù Trung Quốc có mở thầu, doanh nghiệp Việt Nam cũng khó trúng bởi giá gạo của nước ta hiện đang ở mức quá cao so với các đối thủ khác như Thái Lan, Pakistan…

“Khi chào giá gạo trắng, cả Thái Lan và Việt Nam đều đưa ra mức giá 650 USD/tấn nhưng khi ký hợp đồng Thái Lan có thể hạ xuống 610 – 620 USD/tấn, tranh thủ gom các hợp đồng lớn. Do vậy nếu xét về giá, gạo Việt Nam khó có thể cạnh tranh và bán được vào thị trường Trung Quốc thời điểm này”, ông Phan Văn Có nói.

Theo số liệu cập nhật ngày 17/8 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 628 USD/tấn, cao hơn mức 613 USD/tấn của Thái Lan; gạo 25% tấm đang giao dịch ở mức 608 USD/tấn, bỏ xa mức 561 USD/tấn của Thái Lan.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ

Theo đại diện công ty Vrice, giá gạo của Việt Nam cao so với mặt bằng chung của thế giới không hoàn toàn là lợi thế, chưa nói là bất lợi. Nếu doanh nghiệp bán ra với giá quá cao, khách hàng có thể tìm kiếm nguồn cung mới với giá hợp lý hơn, chúng ta có thể mất thị trường hay tốn nhiều thời gian, công sức để đàm phán mua hàng trở lại.

Mặt khác, giá gạo xuất khẩu cao cũng đẩy giá nguyên liệu trong nước đi lên, doanh nghiệp không dám mua vào vì nguồn vốn lớn, rủi ro cao.

Ông Phan Văn Có cho biết thông thường mọi người sẽ nghĩ doanh nghiệp sẽ bán hàng cho khách trả giá cao. Tuy nhiên đặc thù của ngành gạo có chút khác biệt, doanh nghiệp xuất khẩu thường ưu tiên bán hàng cho thị trường truyền thống có tính ổn định, thanh toán nhanh và giá bán tương đồng với các nhà cung cấp khác.

Thực tế, lúa gạo chỉ 3-4 tháng có một vụ, nguồn cung liên tục được lấp đầy, do vậy doanh nghiệp tính đường làm ăn lâu dài, ổn định.

Sau khi cung cấp đủ cho các đối tác lâu năm, doanh nghiệp gạo mới tính đến các thị trường mới, giá cao. Doanh nghiệp xác định đây cũng có thể là những “khách hàng chỉ mua một lần”, thị trường mới sẽ kèm theo rủi ro về thanh toán, lừa đảo thương mại.

Nguy cơ lừa đảo của ngành gạo cũng rất lớn, không thua gì hạt tiêu với điều, đặc biệt ở các thị trường như Trung Đông, châu Phi... Họ có thanh toán LC nhưng LC không dùng được. Doanh nghiệp mới cần cẩn trọng, không thể thấy giá cao, giao nhanh là lao vào, rủi ro rất cao”, ông Phan Văn Có cảnh báo.

Đứng trước nhiều cơ hội, doanh nghiệp gạo phải thật bình tĩnh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 719.000 tấn, tương đương 413 triệu USD, tăng 54% về lượng và tăng 70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 15% về tổng lượng và 16% về tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ

Nếu tính riêng theo tháng, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc trong tháng 7 vừa qua chỉ đạt gần 42.000 tấn, tương đương 23 triệu USD, giảm 7% về lượng và giảm 12,5% về giá trị so với tháng 6. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp, xuất khẩu gạo sang thị trường 1,4 tỷ dân đi xuống so với mức đỉnh tháng 3.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ

Nhìn vào thống kê cho thấy, Trung Quốc thường tăng nhập gạo vào thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5, tháng 9 đến tháng 10, tương đương chính vụ thu hoạch Đông Xuân và Hè Thu của Việt Nam.

Do vậy, lượng nhập khẩu trong hai tháng gần đây giảm nhẹ không phải là yếu tố bất thường và thị trường này có thể sẽ tăng nhập khẩu vào tháng 9-10, xét theo tính chu kỳ mùa vụ.

Bên cạnh yếu tố thời tiết, việc các quốc gia tăng cường dự trữ lương thực đã tạo ra thời cơ vàng cho ngành gạo Việt Nam. Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng trong kịch bản điều kiện khí hậu ổn định như mấy năm qua, không xảy ra thiên tai, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo tiêu dùng trong nước và dư địa cho xuất khẩu gạo khoảng 7-8 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng lưu ý rằng khi đứng trước càng nhiều cơ hội, doanh nghiệp càng cần bình tĩnh vì mọi vấn đề có thể phát sinh mặt trái nếu chúng ta không quản lý tốt, chỉ nhìn thì một phía, một khía cạnh.

Trong cấu trúc ngành hàng, giá cả được quyết định bởi yếu tố cung – cầu, khi cầu tăng, cung không thay đổi thì giá sẽ lên, điều này chúng ta không can thiệp được. Tuy nhiên ngành lúa gạo vẫn đang chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như đặt cọc, tồn trữ đẩy giá, thỏa thuận mua bán mùa vụ…

Do vậy, Bộ trưởng mong muốn nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng và cùng chia sẻ thời cơ làm sao để mùa sau mọi người còn có thể hợp tác làm ăn với nhau.

“An ninh lương thực quốc gia là vấn đề ưu tiên lớn nhất. Khi còn nguồn lực, chúng ta sẽ đẩy mạnh xuất khẩu gạo như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Phạm Mơ