Bộ trưởng NN&PTNT: Giá gạo tăng hàng ngày và đây là thời cơ cải thiện thu nhập rất lớn
Tại phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết nông nghiệp nói chung và người trồng lúa nói riêng là đối tượng thu nhập thấp nhất, đó là điều không thể nói khác.
Nhưng ngành nông nghiệp có thể làm khác và thực tế đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây. Ở bối cảnh hiện tại, giá gạo tăng hàng ngày và đây là thời cơ cải thiện thu nhập rất lớn.
“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi đã nhận được một tin nhắn của người nông dân rằng nếu giá lúa cao và thu nhập ổn định, họ sẵn sàng đem màn ra ngoài đồng ngủ để giữ lúa, đảm bảo an ninh lương thực. Còn nếu giá lúa thấp thì chúng tôi sẽ bỏ ruộng. Lúc đó mới là vấn đề lớn đối với an ninh lương thực và nó đã ảnh trong tâm trí tôi để làm sao cải thiện thu nhập của nông dân trồng lúa”, ông Hoan nói.
Theo ông, cải thiện thu nhập không chỉ nhìn vào giá tăng mà còn phải tính đến việc giảm chi phí. Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, chi phí trồng lúa đã giảm được 20 - 25% do ứng dụng quy trình canh tác mới, áp dụng công nghệ kỹ thuật, tiết kiệm nước, giống, phân bón…
“Tôi đến thăm một hợp tác xã có 85 hộ là thành viên, nhưng chỉ cần có 40 người nông dân ở ngoài đồng và họ điều khiển máy móc”, ông nói.
Về giá bán, ông cho biết nhiều người đang sợ giá bán tăng nhanh quá sẽ làm rối ngành hàng dẫn đến việc thiếu bền vững và đó là vấn đề lớn. Hiện tại, cũng đã có những "đứt gãy" nhất định hàng ngày, hàng giờ.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng nếu chỉ hiểu đơn thuần là người nông dân chỉ hưởng thu nhập từ những gì họ trồng thì chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết 19, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị, tức là tạo ra nhiều ngành nghề khác.
Không gian trồng lúa có thể tạo ra không gian cho những ngành nghề khác. Bà con còn quỹ thời gian rất lớn vì đã áp dụng công nghệ, kỹ thuật từ khâu gieo xạ đến thu hoạch. Nếu chúng ta tạo ra được nghề để bà con tận dụng quỹ thời gian đó thì người nông dân không chỉ hưởng thành quả của riêng cây lúa.
Một biện pháp khác là liên kết các hợp tác xã để mua nguyên vật liệu trồng lúa với số lượng lớn để được chính sách giá ưu đãi. Do đó, cần khuyến khích bà con vào hợp tác xã để mua chung, bán chung, tạo ra dịch vụ chung. Nếu manh mún tự phát thì chi phí sẽ tăng lên.
Bộ trưởng cho biết hiện người nông dân khu vực ĐBSCL thích ứng cũng rất nhanh. Điển hình như mô hình trồng lúa - nuôi tôm, lúa xen rau màu. Nhiều khi chỉ thống kê thu nhập người dân ở một khía cạnh là chưa đầy đủ. Có những người nông dân cho biết thực ra họ trồng lúa để nuôi tôm, không có lúa thì không có tôm và đây là kinh tế tuần hoàn. Người trồng lúa cũng có thể lấy rơm để trồng nấm hoặc các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.