Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: Cơ hội cho Việt Nam tăng thị phần tại Anh
Nhu cầu nhập khẩu gạo lớn
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, với cộng đồng hơn 5,5 triệu người gốc Á, nhu cầu tiêu dùng gạo tại Anh rất lớn trong khi quốc gia này hoàn toàn không trồng lúa, toàn bộ nhu cầu tiêu dùng đều phải nhập khẩu. Năm 2021, Anh nhập gần 652.000 tấn gạo, trị giá gần 575 triệu USD. Năm 2022, nhập khẩu gạo tăng 4,1% lên hơn 678.000 tấn, trong khi giá trị nhập khẩu tăng 7% lên hơn 603 triệu USD.
Trong đó, Anh đã nhập khẩu 3.399 tấn gạo từ Việt Nam, tăng 24,5% so năm 2021. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 3,7 triệu USD, tăng 34% so năm 2021. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 14 vào Anh với thị phần 0,6%.
Trong số các nước Đông Nam Á xuất khẩu gạo nhiều sang Anh năm 2022, Việt Nam có đơn giá bình quân cao nhất (1.093 USD/tấn), trong khi đơn giá bình quân gạo Thái Lan, Campuchia và Myanmar lần lượt là 916, 915 và 435 USD/tấn.
Nhu cầu tiêu thụ gạo tại Anh chủ yếu từ cộng đồng người gốc Á (hơn 5,5 triệu) trong đó cộng đồng người gốc Nam Á với Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh chiếm đa số với lần lượt 1,86; 1,59 và 0,64 triệu người (số liệu chính phủ Tháng 12.2022).
Gạo Việt Nam ở Anh chủ yếu được bán cho cộng đồng người Việt Nam và một phần cộng đồng người Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines với giá bán lẻ ở các siêu thị với mức giá từ 2-2,5 Bảng Anh/kg (58.000-72.000 VNĐ/kg).
Các thương hiệu gạo Việt Nam phổ biến tại Anh: Golden Lotus Premium Jasmine Rice - Gạo tám thơm (Longdan supermarket) giá 2,15 Bảng Anh/kg , Longdan Premium Rice (Longdan supermarket), Longdan Jasmine Broken Rice – gạo tấm, Buffalo Saigon Fragrant Rice (Longdan supermarket) giá 2,2Bảng Anh/kg ,...
Xây dựng thương hiệu gạo – giải pháp lâu dài để duy trì thị phần tại Anh
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Anh, dự báo của Statista cho thấy, thị trường Gạo ở Anh dự kiến sẽ tăng trưởng khối lượng 2,1% vào năm 2024. Trong nửa cuối năm 2023, thị trường Anh dự báo thiếu hụt nguồn cung khoảng 75.000 tấn gạo. Chính phủ Anh chưa có phản ứng chính sách đối với thương mại gạo sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo thường (không phải gạo basmine).
“Sự thiếu hụt nguồn cung lớn từ Ấn Độ sẽ tạo thêm một số cơ hội mới cho gạo Việt Nam tại thị trường Anh”- ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đánh giá.
Để tận dụng cơ hội này, ông Nguyễn Cảnh Cường kiến nghị Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ký kết các hợp đồng cung ứng dài hạn trên cơ sở cân đối giữa an ninh lương thực trong nước với nhu cầu xuất khẩu. Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng tín dụng cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng lúa áp dụng Global G.A.P để sản xuất gạo thơm chất lượng cao. Cục trồng trọt, Cục bảo vệ thực vật và chính quyền các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn cần triển khai các Chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo đáp ứng chất lượng và thị hiếu tiêu dùng của thị trường.
Đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, trong nhiều năm qua, mặc dù là nhà xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam xuất sang Anh cũng như nhiều nước khác thường được bán dưới thương hiệu của các nhà phân phối, khiến người tiêu dùng không nhận biết được nguồn gốc gạo từ Việt Nam.
“Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để gạo Việt Nam duy trì thị phần tại Anh một khi chất lượng gạo Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng”- ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị.
Ông cho rằng nếu tích cực tiếp thị một cách chuyên nghiệp, bao gồm việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông sở tại bằng tiếng Anh, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam chắc chắn sẽ tăng thị phần tại Anh, trong đó có phân khúc thị trường là các nhà hàng phục vụ khách du lịch châu Á, vốn chiếm một lượng không nhỏ trong tổng số hàng chục triệu khách du lịch đến Anh mỗi năm.