[Báo cáo] Thị trường gạo tháng 7/2023: Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam
Tại các nước sản xuất, tính đến giữa tháng 8 giá gạo của Việt Nam và Thái Lan đã tăng hơn 20% kể từ sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati) từ ngày 20/7.
Theo đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 650 - 655 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008 và tăng mạnh 135 - 140 USD/tấn so với một tháng trước.
Thông tin với Reuters, một nhà giao dịch tại Bangkok cho biết nhu cầu gạo từ khắp nơi trên thế giới đang tăng lên, trong đó có Indonesia, châu Phi và Philippines. Người này cũng cho rằng có thể có nhiều nguồn cung gạo hơn, nhưng các nhà xay xát có thể giữ lại để sau đó bán với giá cao hơn.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng tăng tới 120 USD/tấn so với tháng trước lên 620 - 630 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Tuy nhiên, hoạt động giaodịch hạn chế do các nhà xuất khẩu vẫn dự đoán giá gạo sẽ tăng hơn nữa.
Tại thị trường nội địa Việt Nam, giá lúa đã tăng 17% so với một tháng trước trong khi giá gạo tăng tới 26 – 27%. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp chỉ thu mua để thực hiện theo hợp đồng xuất khẩu, chưa ký hợp đồng sẽ tạm dừng mua bởi lo ngại nguy cơ thua lỗ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 660.738 tấn, trị giá 362,7 triệu USD, tăng 6,9% về lượng và tăng 6,4% về trị giá so với tháng trước; còn so với cùng kỳ năm ngoái tăng 13,6% về lượng và 27,3% về trị giá.
Lũy kế trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta đạt gần 4,9 triệu tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 20,1% về lượng và tăng 31,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gạo được cho là sẽ tiếp tục thuận lợi cả về đơn hàng và giá bán trong những tháng cuối năm nay.
Việc Ấn Độ và một số nước như Nga, UAE ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo làm gia tăng lo ngại nguồn cung toàn cầu, đẩy giá mặt hàng này lên mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường lớn như Philippin, Indonesia, Trung Quốc… vẫn ở mức cao do ngại lo ngại hiện tượng thời tiết cực đoan do El Nino, bão lũ gây ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vụ mùa 2023.
Trong báo cáo tháng 8, USDA đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 lên mức 7,9 triệu tấn, tăng 400 nghìn tấn so với dự báo trước đó và tăng 846 nghìn tấn so với năm 2022. Đây cũng là mức điều chỉnh lớn nhất trong báo cáo tháng này của USDA, cơ quan này đánh giá gạo Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn sau lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu thóc, gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu khoảng trên 15,1 triệu tấn tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo.
Mặc dù vậy, trong những năm gần đây Việt Nam cũng nhập khẩu khối lượng lớn gạo từ Ấn Độ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do đó, lệnh cấm xuất khẩu mới đây của Ấn Độ có thể làm đứt gãy nguồn cung gạo giá rẻ cho các ngành sản xuất bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu trong nước.
Chi tiết báo cáo thị trường gạo tháng 7/2023 tại đây: