[Báo cáo] Thị trường gạo quý II/2023: Nhu cầu thế giới tăng cao, xuất khẩu gạo hướng đến kỷ lục mới
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6 xuất khẩu gạo của nước ta đạt 617.998 tấn, trị giá 340,77 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 14,9% về lượng và 3,8% về trị giá.
Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo của nước ta vẫn tăng mạnh 21,3% về lượng và tăng 32,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,24 triệu tấn, trị giá 2,25 tỷ USD. Đây cũng là kết quả xuất khẩu tốt nhất của ngành gạo trong 13 năm trở lại đây.
Không chỉ tăng về khối lượng, giá gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm cũng tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức bình quân 533 USD/tấn. Tính riêng trong tháng 6, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 551 USD/tấn, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là mức giá cao nhất ghi nhận được trong 2 năm qua.
Tại thị trường trong nước, dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến cuối quý II giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng 500 – 1.259 đồng/kg so với đầu năm nay và tăng 1.000 – 2.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lúa gạo có xu hướng tăng, đồng thời chi phí vật tư nông nghiệp hạ nhiệt đã mang lại thu nhập tốt hơn cho người trồng lúa.
Theo một số dự báo, giá gạo châu đang ở mức cao nhất hai năm và khả năng còn tiếp tục tăng cao hơn nữa khi nguồn cung gạo giá rẻ từ Ấn Độ có thể bị siết chặt hơn. Đồng thời, hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp của nhiều quốc gia trên toàn cầu, vừa khiến nguồn cung giảm và khiến nhu cầu nhập khẩu lương thực tăng lên.
Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu gạo non-basmati. Giới chức trách của quốc gia Nam Á này đang muốn tránh nguy cơ lạm phát nhiều hơn trước cuộc bầu cử quan trọng.
Mặc dù động thái này có thể làm giảm giá trong nước, nhưng nó có nguy cơ đẩy chi phí toàn cầu vốn đắt đỏ lên cao hơn nữa bởi Ấn Độ đang chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu.
Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết El Nino đã phát triển tại vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, gây khô hạn tại Đông Nam Á.
Dù mưa đã xoa dịu phần nào nỗi lo mất mùa tại Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng thời tiết khô nóng lại đang đe dọa Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai. Chính phủ Thái Lan đã khuyến cáo nông dân chỉ trồng một mùa vụ trong năm nay, thay vì hai hoặc ba vụ như thường lệ.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, với sự xuất hiện của El Nino, ảnh hưởng từ thời tiết khô nóng sẽ bắt đầu rõ rệt trong tháng 9 và tháng 10. Điều này đồng nghĩa hoạt động mua tích trữ sẽ tiếp diễn khi El Nino được dự báo kéo dài sang năm sau.
Nắng nóng cũng có khả năng đe dọa nhiều khu vực tại miền Nam Trung Quốc. Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, nhiệt độ có thể lên 40 độ C tại Hồ Nam và Giang Tây, các tỉnh trồng lúa hàng đầu nước này. Cơ quan này cũng cảnh báo "rủi ro cao" là nắng nóng sẽ khiến lúa tại những nơi này chín sớm
Trong bối cảnh đó, các nhà nhập khẩu lớn tại châu Á như Philippines, Indonesia, Malaysia, hay các quốc gia tại châu Phi và Trung Đông… đang tích cực thu mua gạo nhằm tăng cường kho dự trữ, chuẩn bị cho kịch bản thiếu hụt nguồn cung lương thực.
Mới đây, Indonesia đã ký thoả thuận nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ trong trường hợp El Nino khiến dự trữ gạo của Indonesia xuống thấp. Đây được xem là động thái đặc biệt, cho thấy Indonesia đang cố gắng đa dạng nguồn cung để đảm bảo chắc chắn hơn cho vấn đề an ninh lương thực; thông thường, Indonesia sẽ nhập khẩu gạo từ Thái Lan và Việt Nam.
Bangladesh cũng đang có kế hoạch đấu thầu 500.000 tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực.
Trong báo cáo mới đây, USDA đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 lên mức 7,5 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 6,3% so với con số 7,05 triệu tấn của năm 2022.
Còn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với đà tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu gạo chắc chắn sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 4 tỷ USD trong năm nay. Giá gạo xuất khẩu của nước ta hiện xấp xỉ Thái Lan và cao hơn Ấn Độ. Trong tương lai, mặt bằng này sẽ tiếp tục được duy trì khi nước ta có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.
Chi tiết báo cáo thị trường gạo quý II/2023 tại đây: