|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường gạo tháng 5/2023: Giá gạo có xu hướng tăng, đạt cao nhất trong 2 năm qua

07:00 | 25/06/2023
Chia sẻ
Trong tháng 5, xuất khẩu gạo của Việt Nam có phần chùng xuống do nguồn cung từ vụ Đông Xuân không còn nhiều. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây với bình quân 539 USD/tấn, tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến giữa tháng 6, giá gạo 5% tấm chào bán của Việt Nam đã tăng lên mức trung bình 498 USD/tấn, vượt qua mức giá 490 - 495 USD/tấn đối với sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được kể từ tháng 4/2021.

Tại thị trường trong nước, hơn một tháng trở lại đây giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL tiếp tục tăng thêm 400 – 500 đồng/kg. Tính đến ngày 8/6, giá lúa thường tại kho dao động bình quân 7.733 USD/tấn, giá gạo dao động trong khoảng 10.700 – 11.179 đồng/kg.

Còn trên thị trường thế giới, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết chỉ số giá gạo đạt trung bình 127,8 điểm vào tháng 5, tăng 2,9% so với tháng trước và là mức cao nhất trong hơn 12 năm qua, kể từ tháng 10/2011.

Giá gạo tiếp tục tăng lên khi các quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu tại khu vực châu Á đẩy mạnh mua vào, trong khi nguồn cung từ một số nước xuất khẩu lớn như Việt Nam và Pakistan đã cạn kiệt. Thời tiết nóng và khô hạn do El Nino cũng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung gạo trong nửa cuối năm nay.

Diễn biến giá gạo thế giới trong 5 tháng đầu năm 2023 (Nguồn: FAO)

Về xuất khẩu gạo của Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 5, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 724.609 tấn, trị giá 390,6 triệu USD, giảm 30,6% về lượng và 28,4% về trị giá so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng 2,2% về lượng và 12,8% về trị giá.

Với kết quả này, xuất khẩu gạo của nước ta trong 5 tháng đầu năm đạt 3,6 triệu tấn, với trị giá 1,92 tỷ USD, tăng mạnh 30,8% về lượng và tăng 41,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao nhất ghi nhận được của ngành gạo trong 5 tháng đầu năm từ trước đến nay.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường đều chủ chốt như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia... đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới nhưng Việt Nam cũng đang nhập khẩu một lượng khá lớn gạo từ các nhà cung cấp khác, đặc biệt là Ấn Độ.

Số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ cho thấy, Việt Nam đã nhập khẩu 85.263 tấn gạo từ Ấn Độ trong tháng 4, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 đến nay.

Luỹ kế trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 266.497 tấn gạo từ Ấn Độ, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu gạo rơi vào khoảng 85,5 triệu USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ.

Trước đây Việt Nam chủ yếu nhập khẩu tấm từ Ấn Độ nhưng nay đã chuyển sang gạo trắng thường. Nguyên nhân là Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp dụng mức thuế 20% đối với các loại gạo khác, ngoại trừ gạo basmati.

Gạo Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam phần lớn được dùng để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia rượu...

Chi tiết báo cáo thị trường gạo tháng 5/2023 tại đây:   

Hoàng Hiệp, thiết kế: Justin Bùi

Gần 30 doanh nghiệp lãi ròng trên nghìn tỷ quý I, một đơn vị bất ngờ lọt top sau chuỗi 16 quý thua lỗ
Bảng xếp hạng lợi nhuận quý I tiếp tục ghi nhận sự xáo trộn lớn khi có đơn vị từng đứng đầu thị trường về lợi nhuận đã rời top lãi nghìn tỷ. Trong khi đó có đơn vị thua lỗ 16 quý liên tiếp lại bất ngờ đứng thứ 6 về lợi nhuận trên thị trường.