|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Báo cáo] Thị trường gạo tháng 4/2023: Xuất khẩu cao kỷ lục nhưng doanh nghiệp vẫn không có lãi

20:41 | 20/05/2023
Chia sẻ
Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo đạt gần 2,9 triệu tấn, với kim ngạch thu về hơn 1,5 tỷ USD, tăng 40,7% về lượng và tăng 51,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là con số cao nhất ghi nhận được của ngành gạo trong 4 tháng đầu năm kể từ trước đến nay. Mặc dù vậy, lợi nhuận của các doanh nghiệp thu hẹp do chi phí đầu vào, lãi vay ở mức cao.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 4 và 4 tháng đầu năm thiết lập kỷ lục mới do nhu cầu tăng cao từ hầu hết thị trường chính. Tại trong nước tình hình sản xuất cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực với năng suất tăng, giá bán tiếp tục cải thiện. 

Hiện nhu cầu gạo trên thị trường thế giới đang ở mức cao khi nhiều dự báo cho thấy hiện tượng thời tiết El Nino sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2023, làm gia tăng rủi ro về nguồn cung lúa gạo tại khu vực châu Á. Điều này khiến các quốc gia trong khu vực như Philippines hay Indonesia phải tăng cường kho dự trữ quốc gia.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm trong giai đoạn 2009 - 2023. (Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan)

Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, không chỉ tăng về số lượng, giá gạo của Việt Nam đang ở mức cao trong những năm qua và cơ cấu loại gạo xuất khẩu cũng chuyển biến tích cực.

Sản phẩm gạo thơm đạt 530 - 540 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Về cơ cấu chủng loại, hiện nay gạo trắng phổ thông chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên tỷ lệ gạo thơm, gạo nếp, cũng như gạo tăng cường chất vi lượng tăng nhanh, ví dụ như gạo thơm xuất khẩu chiếm hơn 25% trữ lượng gạo.

Đây cũng là yếu tố để Việt Nam có thể tiếp cận những thị trường khó tính, bảo hộ thương mại cao như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Để giữ vững thị trường tiêu thụ, đại diện Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần duy trì ổn định chất lượng gạo, theo sát yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của từng thị trường, tăng xuất khẩu gạo chất lượng cao để tăng giá trị cho các lô gạo xuất khẩu. 

Bộ Công Thương đặt kỳ vọng xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt khoảng 7 triệu tấn với kim ngạch 4 tỷ USD. Dù khối lượng thấp hơn năm 2022 (7,13 triệu tấn), song kim ngạch cao hơn hẳn (3,45 tỷ USD).

Mặc dù xuất khẩu tăng cao nhưng báo cáo kết quả kinh doanh quý I mới đây của các doanh nghiệp ngành gạo lại cho thấy bức tranh kém sắc với lợi nhuận thu hẹp do chi phí đầu vào, lãi vay ở mức cao.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) ghi nhận doanh thu đạt 2.452 tỷ đồng trong quý I, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ lúa, gạo ghi nhận 1.675,3 tỷ đồng (tăng 41,6%) và chiếm hơn 68% tổng doanh thu.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng gần 400 tỷ đồng đã đẩy lợi nhuận gộp của công ty giảm 50%, còn 273 tỷ đồng.

Cũng do chi phí tài chính tăng gấp đôi lên 147 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13 tỷ đồng, nên Lộc Trời báo lỗ sau thuế 81 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết chi phí lãi vay tăng mạnh (gấp gần 3 lần) là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ.

Tổng Công ty Lương thực Miền Nam – Công ty Cổ phần (Vinafood II) cũng ghi nhận doanh thu thuần gần 4.470 tỷ đồng trong quý I, tăng 59,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế quý I của công ty chỉ đạt hơn 500 triệu đồng, so với 482 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ vẫn lỗ hơn 7,16 tỷ đồng. Biên lợi nhuận của công ty khá mỏng khi các khoản chi phí tăng mạnh đã làm xói mòn lợi nhuận.

Các doanh nghiệp lớn khác trong ngành như Tập đoàn PAN hay Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) không đến mức thua lỗ nhưng lợi nhuận cũng giảm mạnh.

Chi tiết báo cáo thị trường gạo tháng 4/2023 tại đây:   

Hoàng Hiệp, thiết kế: Justin Bùi