|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

USDA: Thương mại gạo toàn cầu biến động mạnh với sự trở lại của Ấn Độ

16:55 | 18/02/2025
Chia sẻ
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ tăng mạnh trở lại trong năm 2025, trong khi các nhà cung cấp lớn tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan dự kiến đều giảm.

Xuất khẩu phục hồi tại Ấn Độ, sụt giảm tại Việt Nam và Thái Lan

Trong báo cáo mới nhất của USDA, thương mại gạo toàn cầu trong năm 2025 được điều chỉnh tăng 450.000 tấn so với dự báo trước lên 58,5 triệu tấn, giảm 1,24 triệu tấn so với năm 2024 nhưng vẫn là mức cao thứ hai trong lịch sử.

Năm 2025, xuất khẩu tại Argentina, Brazil, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Paraguay, Nga, Hàn Quốc và Uruguay được dự báo tăng so với năm 2024 và bù đắp cho sự sụt giảm từ Myanmar, Campuchia, Pakistan, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Việt Nam.

Trong đó, Ấn Độ dự kiến tiếp tục là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với khối lượng đạt 22,5 triệu tấn, tăng 4,7 triệu tấn so với năm ngoái. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ được cho là sẽ phục hồi trở lại sau khi các hạn chế xuất khẩu được dỡ bỏ.

Vào tháng 9 và tháng 10/2024, Ấn Độ đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế mà nước này đã áp đặt đối với xuất khẩu gạo không phải basmati và gạo basmati cao cấp vào tháng 7 và tháng 8/2023.

Ngược lại, xuất khẩu gạo của các nhà cung cấp lớn tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan dự báo giảm lần lượt là 2,4 triệu tấn, 1,5 triệu tấn và 1,2 triệu tấn. Theo USDA, xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam sẽ cùng giảm xuống mức 7,5 triệu tấn trong năm nay, còn Pakistan đạt 5,3 triệu tấn.

 Nguồn: USDA  

Giới chức Thái Lan trước đó cho biết, xuất khẩu gạo của nước này trong năm nay có thể chỉ đạt khoảng 7,5 triệu tấn, giảm đáng kể so với mức gần 10 triệu tấn vào năm ngoái.

Nguyên nhân chính được cho là do quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ đã chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu gạo. Trong khi đó, sản lượng gạo trên thế giới đang tăng cao do tình hình hạn hán tại nhiều quốc gia đã lắng xuống.

Indonesia, một nước nhập khẩu chính, có thể sẽ cắt giảm nhập khẩu gạo khi sản lượng trong nước tăng và lượng dự trữ vẫn còn nhiều.

Về nhập khẩu năm 2025, USDA dự báo nhập khẩu sẽ giảm ít nhất 50.000 tấn tại Brazil, Cuba, EU, Indonesia, Iraq, Kenya, Malaysia, Sri Lanka và Việt Nam. Đáng chú ý, nhập khẩu của Indonesia được dự báo sẽ giảm mạnh nhất trong năm 2025, giảm 3,6 triệu tấn xuống còn 1 triệu tấn.

Ngược lại, nhập khẩu dự kiến sẽ tăng ít nhất 50.000 tấn trong năm 2025 tại Afghanistan, Angola, Bangladesh, Benin, Canada, Trung Quốc, Ethiopia, Gambia, Ghana, Iran, Lào, Madagascar, Mozambique, Nepal, Triều Tiên, Philippines...

Trong đó, nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự báo đạt 2,2 triệu tấn, tăng mạnh 575.000 tấn so với năm ngoái, do nhu cầu tăng lên sau khi giá gạo toàn cầu hạ nhiệt. Việc Ấn Độ quay trở lại thị trường xuất khẩu tiếp tục gây áp lực giảm lên giá gạo thế giới, thúc đẩy Trung Quốc tăng tốc nhập khẩu trong quý cuối cùng của năm 2024.

Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 1,6 triệu tấn gạo vào năm ngoái, mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Ngoài ra, nhập khẩu gạo của Mỹ được dự báo đạt mức kỷ lục hơn 1,5 triệu tấn trong năm nay. 

Philippines và Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là những nước nhập khẩu gạo lớn nhất, trong đó nhập khẩu của Philippines dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục 5,4 triệu tấn, tăng nhẹ 100.000 tấn so với năm trước. Nhập khẩu của Việt Nam giảm xuống còn 3,4 triệu tấn từ mức 3,8 triệu tấn của năm 2024.

 Nguồn: USDA  

Sản lượng gạo toàn cầu đạt kỷ lục trong niên vụ 2024-2025

Sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 được dự báo đạt mức cao kỷ lục 532,7 triệu tấn (xay xát), giảm 200.000 tấn so với dự báo trước đó nhưng cao hơn 10,4 triệu tấn so với ước tính đã điều chỉnh của niên vụ trước.

Trên toàn cầu, sản lượng của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng nhiều nhất trong niên vụ 2024-2025, tăng 7,2 triệu tấn so với niên vụ 2023-2024, đạt mức kỷ lục 145 triệu tấn.

Pakistan cũng được dự báo sẽ đạt sản lượng kỷ lục 10 triệu tấn, tăng nhẹ từ mức 9,9 triệu tấn của vụ trước.

Ngoài ra, sản lượng gạo của Indonesia niên vụ 2024-2025 dự kiến tăng 980.000 tấn, đạt 34 triệu tấn. Sản lượng của Trung Quốc, quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, được dự báo tăng 655.000 tấn, lên 145,3 triệu tấn.

Ngược lại, sản lượng gạo niên vụ 2024-2025 được dự báo sẽ giảm tại các quốc gia như Australia, Bangladesh, Myanmar, Campuchia, Costa Rica, Bờ Biển Ngà, Ecuador, Ghana, Guinea, Lào, Nepal, Nigeria, Panama, Philippines, Senegal, Hàn Quốc và Togo.

Sản lượng gạo của Bangladesh được cho là sẽ giảm 400.000 tấn, còn 36,6 triệu tấn, do lũ lụt trong mùa xuân và mùa hè tại khu vực Đông Nam của nước này. Tương tự, sản lượng của Ghana vụ 2024-2025 dự kiến giảm 250.000 tấn, còn 759.000 tấn, do hạn hán kéo dài.

Tổng nguồn cung gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 được dự báo đạt mức kỷ lục 712,15 triệu tấn, giảm 215.000 tấn so với dự báo trước đó nhưng cao hơn 9,2 triệu tấn so với năm trước, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng.

​Tiêu thụ dự báo tiếp tục tăng

Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 cũng được dự báo đạt mức kỷ lục 530,5 triệu tấn, cao hơn 284.000 tấn so với dự báo trước đó và tăng 7 triệu tấn so với niên vụ 2023-2024.

Với dự báo này, cán cân cung – cầu gạo toàn cầu sẽ chuyển từ thâm hụt sang thặng dư khoảng 2,14 triệu tấn trong niên vụ hiện tại.

Nguồn: USDA 

Ấn Độ đóng góp phần lớn vào mức tăng dự kiến của tổng tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2024-2025, với mức tăng 4,6 triệu tấn so với niên vụ trước, đạt mức kỷ lục 121 triệu tấn.

Tiêu thụ của Philippines cũng dự kiến tăng 600.000 tấn, thiết lập mức kỷ lục 17,2 triệu tấn. Tại Indonesia, con số này dự báo tăng 0,5 triệu tấn lên 36,7 triệu tấn. Tại Mỹ, mức sử dụng báo tăng 0,35 triệu tấn.

Ngược lại, tiêu thụ của Trung Quốc năm 2024-2025 dự kiến giảm 2,2 triệu tấn xuống còn 145,9 triệu tấn, chủ yếu do giảm lượng gạo sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Ngoài ra, nhu cầu gạo tại Nhật Bản cũng tiếp tục giảm do dân số già hóa và suy giảm, trong khi tại Hàn Quốc, xu hướng này là do sự đa dạng hóa chế độ ăn uống, tốc độ tăng dân số không đáng kể và dân số già hóa.

Tồn kho 181,6 triệu tấn

Tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2024-2025 được dự báo đạt 181,6 triệu tấn, giảm 0,5 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng cao hơn 2,1 triệu tấn so với niên vụ 2023-2024, đồng thời là mức cao nhất kể từ niên vụ 2021-2022.

Ấn Độ chiếm phần lớn mức tăng tồn kho cuối kỳ toàn cầu, với mức tăng 2 triệu tấn so với niên vụ trước, đạt mức kỷ lục 44 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025. Ngoài Ấn Độ, lượng tồn kho cuối kỳ cũng được dự báo tăng so với niên vụ trước tại Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dominica, Liên minh châu Âu, Mali, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Mỹ.

Tỷ lệ tồn kho cuối kỳ trên mức sử dụng toàn cầu năm 2024-2025 được dự báo ở mức 34,2%, gần như không thay đổi so với năm trước nhưng vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2018-2019 đến 2021-2022.

Hoàng Hiệp

TS. Nguyễn Tú Anh: 'Tăng trưởng tín dụng 16% nếu tăng trưởng GDP thấp sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu'
Theo Chuyên gia Nguyễn Tú Anh, khi chúng ta cố gắng thúc đẩy tín dụng nhưng nếu kinh tế tăng trưởng thấp thì sức ép tăng trưởng cao cũng có thể khiến rủi ro về nợ xấu sẽ gia tăng.