Xuất khẩu gạo thiết lập kỷ lục mới, mang về 1,5 tỷ USD chỉ sau 4 tháng
Xuất khẩu gạo liên tiếp phá kỷ lục
Trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm mạnh ở mức 2 con số, ngành gạo đang nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu hàng hoá của nước ta.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của nước ta trong tháng 4 đạt hơn 1 triệu tấn, trị giá 545,85 triệu USD, vượt qua kỷ lục cũ là 961.608 tấn, trị giá 509 triệu USD đạt được vào tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 87,9% về lượng và tăng gần gấp đôi về trị giá.
Với kết quả này, tính đến hết tháng 4 xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt gần 2,9 triệu tấn, với kim ngạch thu về hơn 1,5 tỷ USD, tăng 40,7% về lượng và tăng 51,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là con số cao nhất ghi nhận được của ngành gạo trong 4 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.
Trong 4 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức bình quân 527 USD/tấn.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian qua, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, không chỉ tăng về số lượng, giá gạo của Việt Nam đang ở mức cao trong những năm qua và cơ cấu loại gạo xuất khẩu cũng chuyển biến tích cực.
"Sản phẩm gạo thơm đạt 530 - 540 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay. Về cơ cấu chủng loại, hiện nay gạo trắng phổ thông chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên tỷ lệ gạo thơm, gạo nếp, cũng như gạo tăng cường chất vi lượng tăng nhanh, ví dụ như gạo thơm xuất khẩu chiếm hơn 25% trữ lượng gạo.
Điều đó cho thấy định hướng nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu thay vì chạy theo số lượng. Đây cũng là yếu tố để Việt Nam có thể tiếp cận những thị trường khó tính, bảo hộ thương mại cao như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…" ông Hải cho biết
Được biết, gạo trắng hiện đang chiếm gần hơn 57% khối lượng gạo xuất khẩu gạo của nước ta trong 4 tháng đầu năm với 1,7 triệu tấn, tăng 74,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất là Philippines, Indonesia...
Lượng gạo nếp xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng mạnh 84,6% lên hơn 368 nghìn tấn sau khi thị trường tiêu thụ hàng đầu là Trung Quốc tăng mua trở lại.
Ngoài ra, lượng gạo Nhật và gạo lứt, gạo tăng cường vi chất cũng tăng lần lượt là 28,3% và 67,7%. Riêng xuất khẩu nhóm gạo thơm (Jasmine, DT8, KDM, ST24, ST25…) giảm nhẹ 3,5% so với cùng kỳ nhưng kim ngạch thu về vẫn tăng 4%.
Để giữ vững thị trường tiêu thụ, đại diện Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần duy trì ổn định chất lượng gạo, theo sát yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của từng thị trường, tăng xuất khẩu gạo chất lượng cao để tăng giá trị cho các lô gạo xuất khẩu.
Về thị trường tiêu thụ, những bất ổn về chính trị và kinh tế cùng với điều kiện thời tiết cực đoan đang thúc đẩy nhiều quốc gia trên thế giới tăng cường dự dữ lương thực, trong đó có tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, gồm Phillipines, Trung Quốc và Indonesia.
Riêng Philippines đã chi tới hơn 647,5 triệu USD để nhập khẩu gần 1,3 triệu tấn gạo Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 40,6% về lượng và 53,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Nước láng giềng Đông Nam Á này là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam chiếm tới 44,4% về lượng và 42,4% về giá trị.
Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc cũng tăng lên mức cao nhất trong 5 năm qua, đạt 507.066 tấn, tăng 70,8% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 17,5% thị phần. Nhu cầu của Trung Quốc đã phục hồi mạnh trở lại sau khi nước này tái mở cửa nền kinh tế từ đầu năm nay sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, Indonesia đã vươn lên vị trí số ba về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 4 tháng qua với khối lượng đạt 306.496 tấn, tăng 2.498% (26 lần) so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 10,6% thị phần. Tính riêng trong tháng 4, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này đạt 157.909 tấn, tăng 1.338% so với tháng 4/2022.
Cơ hội xuất khẩu gạo sang Indonesia đang trở lên rộng mở khi cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Thương mại Indonesia cho biết, nước này sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Lượng gạo dự trữ quốc gia nhập khẩu sẽ được sử dụng vào chương trình bình ổn giá gạo, hỗ trợ gạo cho 21,53 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác.
Ngoài những thị trường kể trên, Malaysia, Singapore, Mozambique cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) cũng ghi nhận tăng trưởng cao ở mức ba con số tại một số thị trường như Bỉ tăng 160,5%, Tây Ban Nha tăng 119,3%, Ba Lan tăng 93,7%, Hà Lan tăng 49,1%...
Mặc dù vậy, lượng gạo xuất khẩu sang hai thị trường tiêu thụ hàng đầu tại châu Phi là Gana và Bờ Biển Ngà lại giảm lần lượt là 22,7% và 54,3%....
Nguồn cung đã cạn, xuất khẩu gạo sẽ hạ nhiệt?
Nhu cầu gạo trên thị trường quốc tế vẫn đang ở mức cao khi nhiều dự báo cho thấy hiện tượng thời tiết El Nino sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2023, làm gia tăng rủi ro về nguồn cung lúa gạo tại khu vực châu Á.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo có khả năng sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới do nguồn cung từ vụ Đông Xuân không còn nhiều, trong khi lượng gạo dành cho xuất khẩu năm nay cũng được cho là thấp hơn năm ngoái.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định lực cầu của thế giới năm nay rất lớn, doanh nghiệp có thể bán ra với giá tốt. Tuy nhiên vị này cho rằng giá tốt chưa chắc có thể giúp kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể lập kỷ lục bởi sản lượng xuất khẩu năm nay có thể giảm.
“Ở mặt bằng chung, Việt Nam thường xuất khẩu khoảng 6,3-6,5 triệu tấn gạo/năm là tốt năm rồi. Năm 2022, sản lượng gạo xuất khẩu lên tới 7,1 triệu tấn, điều này có nghĩa tồn kho năm nay sẽ thấp và 2023 khó chạm tới con số này.
Giá có lên mấy cũng khó tăng trưởng 25%, tôi cho rằng kim ngạch xuất khẩu bằng mức 3,5 tỷ USD của năm 2022 đã là thành công”, ông Đỗ Hà Nam nhận định.
Theo Báo Thanh Niên, mới đây, VFA chính thức kiến nghị Bộ Công thương xem xét điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2023 từ 7 triệu tấn xuống 6,1 - 6,3 triệu tấn, do thiếu hụt nguồn cung.
Như vậy, sau khi đã xuất khẩu 2,9 triệu tấn (725.000 tấn/tháng) trong 4 tháng đầu năm thì lượng gạo xuất khẩu trong 8 tháng cuối năm chỉ còn khoảng 3,2 – 3,4 triệu tấn (tương ứng 400.000 – 425.000 tấn/tháng).
Trước đó, Bộ Công Thương đặt kỳ vọng xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt khoảng 7 triệu tấn với kim ngạch 4 tỷ USD. Dù khối lượng thấp hơn năm 2022 (7,13 triệu tấn), song kim ngạch cao hơn hẳn (3,45 tỷ USD).
Theo phân tích của Fitch Solutions, nguồn cung gạo toàn cầu đang thiếu hụt do tác động của xung đột Nga - Ukraine cũng như thời tiết không thuận lợi cho mùa màng ở các nước sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới. Tổ chức này dự báo thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022 - 2023, mức cao nhất kể từ niên vụ 2003 - 2004 và giá gạo sẽ duy trì ở mức cao cho đến năm 2024.