|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành gạo đang hưởng lợi nhờ lực cầu ở thị trường xuất khẩu tăng mạnh

07:41 | 15/04/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh các thị trường lớn như Phillipines, Trung Quốc, Indonesia tăng dự trữ lương thực, doanh nghiệp xuất khẩu gạo được đánh giá là được hưởng lợi trong thời gian tới. Một số doanh nghiệp đang chờ đợi giá xuất khẩu còn tăng hơn nữa mới bắt đầu bung hàng.

Lực cầu mạnh có tác động tích cực lên giá gạo xuất khẩu

Những bất ổn về chính trị và kinh tế cùng với điều kiện thời tiết cực đoan đầu năm 2023 đã kích thích nhiều quốc gia trên thế giới tăng cường dự dữ lương thực, trong đó có bộ ba thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, gồm Phillipines, Trung Quốc và Indonesia.

Trong bối cảnh Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới Ấn Độ chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hay bỏ áp thuế 20% xuất khẩu gạo trắng trong năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có lợi thế.

 (Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ Tổng cục Hải quan)

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 3 đạt mức cao kỷ lục với gần 962.000 tấn, tương đương 509 triệu USD, tăng 80% về lượng và 78% về trị giá so với tháng 2, đồng thời tăng 81% về lượng và 93,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế quý I/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 1,8 triệu tấn gạo với giá trị lên đến 981 triệu USD, tăng 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu ở mức 529 USD/tấn, tăng 9% so với quý I/2022 và cùng kỳ các năm trước.

(Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ Tổng cục Hải quan) 

Trong đó, tỷ trọng xuất gạo sang Indonesia tăng đột biến, từ 0,1% trong quý I/2022 lên 8% trong quý I/2023.

 

Trong quý đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia 148.587 tấn gạo, tương đương 70 triệu USD, gấp 180 lần về lượng và gấp 178 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, Indoneisa đã trở thành thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ ba của nước ta. 

 

Lý giải về sự tăng trưởng đột biến này, ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết sau 3 năm không phải nhập khẩu gạo dự trữ, năm nay Indonesia dự kiến nhập khẩu 2 triệu tấn gạo, nguồn cung dự kiến đến từ Việt Nam, Thái Lan.

Để tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo sang Indonesia, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt (đặc biệt là doanh nghiệp từng có giao dịch bán gạo dự trữ cho Indonesia) chủ động gửi bản giá chào tới Cơ quan hậu cần Indonesia (Perum Bulog) trong thời gian sớm nhất để quảng bá xúc tiến sản phẩm.

Trong báo cáo ngành nông nghiệp, công ty chứng khoán VNDirect cho rằng  nhu cầu gạo thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 do những bất ổn về chính trị và kinh tế đẩy nhu cầu dự trữ gạo lên cao. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu vẫn đang ảnh hưởng đến nguồn cung gạo tại nhiều quốc gia, đặc biệt như Philippines (bão lũ) hay Trung Quốc (hạn hán).

“Năm 2023, sản lượng gạo của Trung Quốc được dự báo giảm hơn 3 triệu tấn so với năm 2022, xuống còn khoảng 145,5 triệu tấn do ảnh hưởng của hạn hán. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam”, VNDirect dự báo.

Doanh nghiệp tranh thủ gom hàng

Theo Bộ NN&PTNT, diện tích đất nông nghiệp sử dụng cho niên vụ 2022-2023 tại Việt Nam đã giảm 3% so với niên vụ trước, dẫn đến sản lượng lúa có thể giảm 1% xuống 27 triệu tấn trong niên vụ 2023.

Trong bối cảnh lực cầu tăng mạnh, lực cung có xu hướng giảm nhẹ, điều này có thể tác động tích cực đến giá gạo xuất khẩu trong năm 2023.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết nhờ việc các quốc gia tăng dự trữ lương thực, doanh nghiệp đang có khá nhiều đơn hàng với cả đối tác cũ và mới.

Tuy nhiên Phước Thành chủ yếu giao hàng cho các khách truyền thống, khách mới sẽ hạn chế hơn vì thời điểm chính vụ Đông Xuân này, lượng hàng dồi dào, giá xuất khẩu sẽ không cao như kỳ vọng.

“Chúng tôi đã tạm trữ trong kho khoảng 15.000 – 18.000 tấn gạo, chờ đến cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi vào vụ Hè Thu, chúng tôi sẽ bán ra với giá tốt hơn. Động thái gom hàng này dựa trên tình hình nhu cầu của các thị trường, đơn hàng tương lai và khả năng kiểm soát rủi ro giá cả, chi phí…”, ông Thành nói.

Mặt khác, đại diện Phước Thành IV cho rằng việc thu mua, chế biến gạo và cho gạo “nghỉ” khoảng 2 tháng sẽ giúp hạt gạo săn hơn và loại bỏ một số chất tồn dư. Việc xuất ngay hay tạm chờ sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn, chiến lược và đơn hàng của đối tác.

Ở góc độ hiệp hội, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng đúng là giá gạo đang ở giai đoạn thăng hoa, tuy nhiên việc gom hàng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được, doanh nghiệp muốn tạm trữ cần phải có tài sản đảm bảo mới có thể huy động nguồn vốn từ các ngân hàng.

Trong bối cảnh lực cầu quốc tế mạnh, ông Nam cho rằng nông dân sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất, sau đó mới đến doanh nghiệp. Vị này khuyến cáo người dân không nên bán vội thóc gạo vụ Đông Xuân (vụ lúa cho chất lượng gạo tốt nhất trong năm), nếu chưa cần tiền cho tái sản xuất có thể tạm giữ lại hàng và bán khi có giá tốt hơn.

Cẩn trọng với rủi ro, không bỏ trứng vào một giỏ

Trong kinh doanh, cơ hội luôn đi kèm với rủi ro. Ngành gạo đang đứng trước thời cơ tốt, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng không thể lơ là, chủ quan với những bẫy xuất khẩu.

Thực tế, ông Đỗ Hà Nam cho biết các doanh nghiệp gạo của Việt Nam chủ yếu làm việc với các đối tác lâu năm, độ rủi ro thấp và không có nhiều đáng ngại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có đơn hàng sớm, ký theo giá mặt bằng cũ thì sẽ hưởng lợi ít hơn trong thời điểm này.

Còn về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành cũng cho rằng dù thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu, Mỹ đang dính phải nhiều vụ khủng hoảng ngân hàng, tuy nhiên các đối tác nhập khẩu gạo của doanh nghiệp Phước Thành IV vẫn ổn và không chịu tác động nhiều.

Mặt khác gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu, khi các quốc gia có nhu cầu nhập khẩu tạm trữ thì các ngân hàng đều có tỷ lệ giải ngân tốt, thanh khoản cao cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Điểm ông Thành lưu ý các doanh nghiệp cùng ngành là Indonesia có diện tích trồng lúa lớn, họ chỉ tăng nhập khẩu khi cần tạm trữ quốc gia. Do vậy, đà tăng trưởng sang thị trường này có thể sẽ không bền vững và lâu dài. Do vậy, ông Thành khuyến cáo các doanh nghiệp không nên bỏ trứng vào một giỏ, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường nhưng vẫn phải chăm sóc các khách hàng, đối tác truyền thống.

Dù các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng độ rủi ro với ngành gạo ở mức thấp. Tuy nhiên cẩn trọng trong thương mại quốc tế là không bao giờ thừa với doanh nghiệp.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đẩy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.

Bên cạnh đó, lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động.

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên cập nhật tình hình cho Hiệp hội lương thực Việt Nam và Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như kịp thời có biện pháp hỗ trợ thương nhân.

VNDirect cũng chỉ rủi ro ngành gạo Việt Nam là việc Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam và làm giảm giá gạo xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa; giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, điều này cũng có thể dẫn đến giảm diện tích trồng lúa khi họ chuyển sang các loại cây trồng khác. 

Theo ước tính củaVNDirect, tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất gạo niêm yết năm 2022 đã tăng 8,5%  so với năm 2021. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm do áp lực chi phí đầu vào như chi phí phân bón và giá thu mua lúa tăng. Kết quả là tổng lợi nhuận ròng năm 2022 giảm 28%.

Phạm Mơ