|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo tháng 3 lập kỷ lục mới

07:45 | 13/04/2023
Chia sẻ
Xuất khẩu gạo của nước ta trong tháng 3 đạt cao nhất kể từ trước đến nay với 961.608 tấn, trị giá gần 509 triệu USD. Trong đó, các lô hàng xuất khẩu sang Philippines và Trung Quốc tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo thiết lập kỷ lục mới

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 3 của nước ta đạt kỷ lục 961.608 tấn, trị giá gần 509 triệu USD, tăng 80% về lượng và 78% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng 81% về lượng và 93,5% về trị giá.

Với kết quả này, xuất khẩu gạo đã đảo chiều từ mức tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm sang tăng trưởng dương sau quý I/2023, với khối lượng đạt 1,8 triệu tấn với giá trị lên đến 981,4 triệu USD,  tăng 23,4% về lượng và tăng 34,3% về trị giá so với quý I năm ngoái. 

Giá gạo xuất khẩu trong quý I năm nay đạt bình quân 529 USD/tấn, tăng 8,8% (tương đương 43 USD/tấn) so với cùng kỳ.

Trong đó, giá xuất khẩu bình quân sang các thị trường chủ chốt như Philippines tăng 41 USD/tấn lên 504 USD/tấn; Trung Quốc tăng 75 USD/tấn lên 585 USD/tấn… Ngoài ra, giá gạo xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Pháp, Tây Ban Nha dao động ở mức khá cao từ 700 – 758 USD/tấn.

Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Về thị trường, Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất trong tháng 3 với khối lượng lên đến 491.279 tấn, trị giá 245,7 triệu USD, tăng 3,6 lần về lượng và gần 4 lần về trị giá so với tháng 3 năm ngoái. Lũy kế đến hết quý I năm nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 893.254 tấn, trị giá 450,4 triệu USD, tăng 32,9% về lượng và 44,8% về giá trị so với cùng kỳ.

Philippines chiếm 48,2% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, tăng so với mức 44,7% của quý I năm ngoái.

Cũng trong tháng 3 xuất khẩu gạo sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai là Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh 94,4% so với cùng kỳ, lên mức 187.746 tấn. Tính chung quý I, xuất khẩu gạo sang thị trường này đã tăng tới 90,7% lên 340.385 tấn, chiếm 18,4% tổng xuất khẩu gạo của cả nước.

Đặc biệt, lượng gạo xuất khẩu sang Indonesia trong quý I tăng đột biến 11.793% lên mức 148.587 tấn và trở thành thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ ba của nước ta.

Xuất khẩu gạo cũng ghi nhận đà tăng trưởng cao ở một số thị trường như Mozambique, Đài Loan, Tanzania, Chile…, trong khi giảm ở những thị trường Malaysia, Ghana, Bờ Biển Ngà.

Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Nhu cầu từ các thị trường chính đang tăng lên

Trong báo cáo tháng 4 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 lên mức 7,1 triệu tấn, cao hơn 300.000 tấn so với dự báo trước đó và tăng nhẹ so với 7,05 triệu tấn của năm 2022. Sự điều chỉnh này chủ yếu là do nhu cầu gia tăng từ Indonesia.

Với dự báo này, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới sau Ấn Độ (22,5 triệu tấn) và Thái Lan (8,5 triệu tấn), chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu trong năm 2022. 

Còn theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu gạo của nước ta sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân và nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng lên.

Thị trường Trung Quốc hiện đang có nhu cầu cao đối với gạo nếp và dòng gạo thơm ST21, ST24, ST25 của Việt Nam sau khi nước này mở cửa trở lại.

Trong khi đó, nhiều dự báo cho thấy hiện tượng thời tiết El Nino sẽ xuất hiện vào nửa cuối năm 2023, làm gia tăng rủi ro về nguồn cung lúa gạo tại khu vực châu Á. Điều này khiến các quốc gia trong khu vực như Philippines hay Indonesia phải tăng cường kho dự trữ quốc gia.

Rex Estoperez, Phó phát ngôn viên Bộ Nông nghiệp Philippin (DA), cho biết giá gạo bán lẻ tại nước này dự kiến ​​sẽ tăng trong vài tuần tới do dự trữ đệm thấp, giá lúa tại ruộng cao trong mùa khô và chi phí nhập khẩu gạo tăng, theo Philstar.

Được biết, lượng gạo tồn kho của quốc gia này hiện chỉ đủ dùng trong 51 ngày so với mức đệm thông thường là 90 ngày.

Bộ Nông Nghiệp Philipines đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất đối với nguồn cung gạo của đất nước khi hiện tượng thời tiết El Nino có khả năng xuất hiện vào quý III/2023 và kéo dài đến năm 2024. Philippines cần có lượng gạo tồn kho dự trữ ít nhất là 52 ngày. Nếu tình trạng nguồn cung gạo thiếu hụt, nước này có thể phải tăng nhập khẩu.

Dữ liệu mới nhất của ​​Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI) cho thấy, tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này trong 3 tháng đầu năm nay đạt 744.253 tấn. Trong đó, có đến 88% tương đương 653.875 tấn được nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp theo là Myanmar với 53.035 tấn, Thái Lan 33.880, Ấn Độ 1.784 tấn...

Nguồn:  Số liệu từ BPI. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Còn với Indonesia, cuối tháng 3 vừa qua, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo trong năm nay để bổ sung kho dự trữ quốc gia. Trong đó, 500.000 tấn sẽ được nhập khẩu sớm nhất có thể.

Lý giải về quyết định này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết việc nhập khẩu gạo là để dự trữ cho Cơ quan lương thực Quốc gia vì có khả năng Indonesia sẽ đối mặt với mùa khô hạn kéo dài do tác động của El Nino. El Nino không chỉ xảy ra ở Indonesia mà còn ở các nước khác, do đó nhập khẩu gạo sẽ giúp giảm bớt tình trạng khó khăn khi cạnh tranh với các quốc gia khác để có được mặt hàng này trong mùa khô kéo dài.

USDA dự báo nhập khẩu gạo của Indonesia trong năm 2023 sẽ vào khoảng 1,75 triệu tấn, gấp 2,3 lần so với năm 2022. Nhập khẩu gạo chỉ chiếm 5% tổng tiêu thụ của Indonesia nhưng chính sách này có tác động lớn đến dòng chảy thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Thống kê Trung ương Indonesia (BPS), trong 2 tháng đầu năm nay Indonesia đã nhập khẩu tổng công 456.375 tấn gạo, chủ yếu đến từ Thái Lan (241.255 tấn) và Việt Nam (153.197 tấn).

Như vậy, với việc nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo trong năm nay, Việt Nam và Thái Lan nhiều khả năng sẽ vẫn là hai thị trường cung cấp gạo chính cho Indonesia trong thời gian tới.

 Nguồn:  Số liệu từ BPS. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)  

Trong bản cập nhật đánh giá về triển vọng cung - cầu gạo thế giới mới đây, USDA đã hạ dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 xuống mức 509,4 triệu tấn, giảm hơn 400.000 tấn so với dự báo trước và giảm 4 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022.

Ở chiều ngược lại, cơ quan này đã nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu lên mức kỷ lục 520 triệu bao, tăng 889.000 tấn so với niên vụ trước. Tồn kho gạo toàn cầu dự kiến giảm 10,6 triệu tấn xuống còn 171,4 triệu tấn, mức thấp nhất trong 5 niên vụ gần đây.

USDA cũng nâng dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2023 lên mức 55,9 triệu tấn, tăng 878.000 tấn so với dự báo trước đó, nhưng giảm nhẹ so với mức kỷ lục 56,1 triệu tấn của năm 2022. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Hiệp

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.