Thế giới tăng dự trữ lương thực, giá gạo xuất khẩu có thể tiếp tục đi lên trong năm 2023
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam phục hồi sau tác động của dịch COVID-19, với 7,1 triệu tấn, tương đương 3,5 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 7% về giá trị so với năm 2021.
Trong báo cáo ngành nông nghiệp, công ty chứng khoán VNDirect cho rằng nhu cầu gạo thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 do những bất ổn về chính trị và kinh tế đẩy nhu cầu dự trữ gạo lên cao. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu vẫn đang ảnh hưởng đến nguồn cung gạo tại nhiều quốc gia, đặc biệt như Philippines (bão lũ) hay Trung Quốc (hạn hán).
“Năm 2023, sản lượng gạo của Trung Quốc được dự báo giảm hơn 3 triệu tấn so với năm 2022, xuống còn khoảng 145,5 triệu tấn do ảnh hưởng của hạn hán. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam”, VNDirect dự báo.
Bộ phận phân tích cũng kỳ vọng giá xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 nhờ nhu cầu dự trữ lương thực ở nhiều quốc gia tăng; trong khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hay bỏ áp thuế 20% xuất khẩu gạo trắng trong năm 2023.
Mặt khác, Việt Nam đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao để phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu, đồng thời nhiều vùng trồng lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác có lợi hơn, điều này có thể dẫn đến giảm sản lượng gạo trong năm 2023.
Năm 2023 đang mở ra nhiều cơ hội cho hạt gạo Việt Nam, nhưng cũng có nhiều thách thức đang đón chờ, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh với Thái Lan.
Theo Bộ NN&PTNT, diện tích đất nông nghiệp sử dụng cho niên vụ 2022-2023 tại Việt Nam đã giảm 3% so với niên vụ trước, dẫn đến nguy cơ sản lượng lúa giảm 1% xuống 27 triệu tấn trong niên vụ 2023.
Ngược lại, Thái Lan có thể sẽ có một mùa thu hoạch bội thu trong năm nay. Trong niên vụ 2022-2023, Thái Lan dự kiến sản xuất khoảng 20,2 triệu tấn gạo, tăng từ 19 triệu tấn của niên vụ trước.
Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết xuất khẩu gạo của Thái Lan sang Philippines dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2023 do Việt Nam đang phải đối mặt với những hạn chế về năng lực xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, VNDirect cũng chỉ rủi ro ngành gạo Việt Nam là việc Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam và làm giảm giá gạo xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa; giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, điều này cũng có thể dẫn đến giảm diện tích trồng lúa khi họ chuyển sang các loại cây trồng khác.