|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Đối tác nhập khẩu gạo ngày càng khắt khe, yêu cầu hóa đơn đỏ cả về giống'

14:02 | 04/04/2023
Chia sẻ
Đại diện Công ty Vinafood 1 cho biết đối tác nhập khẩu gạo của Việt Nam đang ngày càng khó tính, khắt khe hơn trong các tiêu chuẩn, thậm chí có các đơn hàng vừa và nhỏ yêu cầu minh bạch hóa đơn đỏ của giống mua.

Thị trường càng cạnh tranh, đối tác nhập khẩu càng khó tính

Tại diễn đàn “Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền”, đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết xuất khẩu gạo năm 2023 có nhiều cơ hội khi nhiều thị trường truyền thống tăng cường dự trữ, tuy nhiên các đối tác nhập khẩu gạo của Việt Nam lại ngày càng khó tính, khắt khe hơn trong các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

“Mỗi thị trường có yêu cầu, đặc thù riêng, tuy nhiên có điểm chung là yêu cầu về chất lượng khắt khe hơn và giá cần gia tăng tính cạnh tranh. Đến thời điểm hiện tại, các đơn hàng vừa và nhỏ cũng được yêu cầu hóa đơn đỏ của giống mua”, đại diện Vinafood 1 cho biết.

Do vậy, đại diện công ty này cho rằng những đơn vị sản xuất đại điền theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm… sẽ có lợi thế trong cuộc chơi này.

Đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1). (Ảnh: Ban tổ chức)

Còn bàn về xây dựng thương hiệu cho gạo xuất khẩu, bà Trần Thị Trà, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho rằng đại điền, sản xuất quy mô lớn là đầu vào cho việc phát triển thương hiệu gạo. Ngược lại, thương hiệu gạo chính là đầu ra của các sản phẩm lúa gạo từ mô hình đại điền.

“Phát triển thương hiệu gạo, đặc biệt cho xuất khẩu mà không có quy mô sản xuất lớn sẽ rất khó thành công”, bà Trần Thị Trà nói.

Phó Tổng giám đốc ThaiBinh Seed cho rằng sản xuất mô hình nông nghiệp đại điền là quy luật tất yếu trong việc chuyên nghiệp hóa ngành lúa gạo, hướng đến xuất khẩu.

Mặt khác, sản xuất nông nghiệp đại điền sẽ khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Quay về điểm xuất phát, tích tụ ruộng đất, sản xuất đại điền

Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, diện tích sản xuất lúa gạo của tỉnh đạt 155.000 ha, năng suất bình quân hằng năm đạt 13 tấn/ha. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt còn thấp, quy mô nông hộ hẹp. Bình quân mỗi hộ có 4 khẩu (0,2 ha). Sản xuất lúa gạo tuy có lãi nhưng thu nhập từ lúa gạo không đảm bảo đời sống cho người nông dân.

 Diễn đàn 970 với chủ đề thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp đại điền. (Ảnh: Ban tổ chức)

Khoảng giai đoạn 2014-2016, nhiều nông dân bỏ ruộng, không canh tác, chính quyền đã khuyến khích những người sản xuất chuyên nghiệp tích tụ ruộng đất, thuê, mượn lại đất để canh tác. Một điển hình về tích tụ ruộng đất có thể kể đến huyện Đông Hưng (Thái Bình).

Ông Vương Đức Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết diện tích trồng lúa của huyện này khoảng 11.328 ha, năng suất lúa bình quân 131- 133 tạ/ha/năm.

Theo điều tra sơ bộ, huyện Đông Hưng có khoảng 10% các hộ có ruộng không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp, các hộ này thường cho mượn ruộng không thu khoán, thậm chí còn đóng sản cho các hộ sản xuất; 20% hộ có nhu cầu cho thuê, mượn ruộng và 20% hộ sẽ cho thuê nếu giá thuê ruộng hợp lý; 50% các hộ vẫn có nhu cầu sản xuất để tạo lương thực, thực phẩm để phục vụ gia đình. Điều này có thể dẫn đến nhiều xã có hiện tượng ruộng bỏ hoang, không gieo cấy.

Trước tình trạng này, huyện Đông Hưng đã khuyến khích các hộ dân đổi ruộng, thuê, mượn, tích tụ ruộng đất, nhất là các diện tích bị bỏ hoang để đưa cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Đến nay, huyện đã có trên 500 hộ tích tụ ruộng đất sản xuất lúa với quy mô từ 1ha trở lên, đạt khoảng 1.200 ha, trong đó có 67 hộ tích tụ ruộng đất từ 5 ha trở lên; 17 hộ tích tụ trên 10 ha; 1 hộ tích tụ trên 20 ha.

Đa số các tích tụ ruộng đất đã đầu tư, ứng dụng máy móc vào sản xuất như máy cấy, máy gặt, máy sấy, máy làm đất, máy phun thuốc BVTV. Lãnh đạo huyện Đông Hưng khẳng định việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình đại điền đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của huyện đạt 3.591 tỷ đồng tăng 3% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt khoảng 156 triệu/ha, hệ số sử dụng đất đạt 2,3 lần.

Sản xuất nông nghiệp đại điền mang lại hiệu quả kinh tế tuy nhiên khi các hộ dân tích tụ rộng đất, đầu tư sản xuất gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục hành chính, tiếp cận các chính sách hỗ trợ và vốn…

Ông Nguyễn Văn Nghị, hộ dân tích tụ khoảng 20 ha trồng lúa tại xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư cho biết hiện nay việc cho thuê khoán đất nông nghiệp chủ yếu diễn ra theo thỏa thuận giữa các hộ dân, tuy nhiên vẫn có một số hộ phá vỡ hợp đồng, đòi lại đất khi đang canh tác, đầu tư.

Do vậy, ông Nghị đề nghị Nhà nước sẽ đứng giữa can thiệp vấn đề cho thuê khoán đất 10-20 năm để các hộ tích tụ ruộng đất có thể yên tâm đầu tư, cải tạo hệ thống thủy lợi, máy móc, kho bãi…

Ngoài ra, ông Nghị cũng đề xuất tạo điều kiện về pháp lý và hành chính để người nông dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với chính sách hỗ trợ, nhanh chóng có máy móc, vốn phục vụ sản xuất.

Còn về phía doanh nghiệp, bà Trần Thị Trà cho biết doanh nghiệp này đang liên kết sản xuất khoảng 2.000 ha lúa tại Thái Bình nói riêng và 7.000 ha lúa trên cả nước, trong đó có nhiều vùng đại điền.

Để mở rộng sản xuất mô hình nông nghiệp đại điền, lãnh đạo ThaiBinh Seed kiến nghị có những chính sách cụ thể cho các hộ dân và doanh nghiệp tham gia tích tụ ruộng đất. Đồng thời kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng các thị trường xuất khẩu để tạo đầu ra ổn định cho những hộ dân sản xuất theo mô hình đại điền.

Đối với các mô hình đại điền, bà Trà lưu ý nông dân cần quan tâm đến vấn đề chất lượng giống lúa để đảm bảo đồng nhất chất lượng gạo, uy tín với khách hàng và thương hiệu vùng sản xuất.

Phạm Mơ

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.