Nhu cầu đối với gạo Việt Nam tăng mạnh
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa tăng ở một số loại như OM 4218 tăng 600 đồng/kg lên 7.200 đồng/kg; IR 50404 cũng tăng với mức tương tự lên 6.800 đồng/kg, riêng Jasmine vẫn giữ ổn định 7.600 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, giá lúa tăng ở một số loại như: IR 50404 là 7.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 là 7.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; riêng RVT giảm 100 đồng/kg còn 8.200 đồng/kg.
Giá lúa tại Sóc Trăng vẫn duy trì đi ngang như: ST 24 là 8.300 đồng/kg; OM 4900 là 6.700 đồng/kg; Đài thơm 8 là 7.900 đồng/kg; OM 5451 là 7.700 đồng/kg.
Giá lúa tại Tiền Giang ổn định ở một số loại như: Jasmine ở mức 7.200 đồng/kg; IR 50404 là 6.500 đồng/kg; riêng lúa OC10 tăng 100 đồng/kg lên mức 6.800 đồng/kg.
Còn tại An Giang, tuần qua nhiều loại lúa tiếp tục có sự tăng giá. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.400 – 6.500 đồng/kg; OM 5451 từ 6.400 – 6.500 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.600 – 6.800 đồng/kg. Những loại có sự tăng giá như: Nàng hoa 9 từ 6.600 – 6.800 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; IR 50404 từ 6.200 - 6.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Với nếp vẫn có sự duy trì giá ổn định, tại An Giang có giá từ 6.100 – 6.200 đồng/kg; nếp Long An từ 6.600 – 6.800 đồng/kg.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,79 triệu tấn với 952 triệu USD, tăng 19,3% về khối lượng và tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022 do giá gạo tăng 9,2%, bình quân 532 USD/tấn.
Trong quý I/2023, giá gạo xuất khẩu tăng cao là nhờ tỷ trọng các loại gạo phẩm cấp cao (gạo thơm, gạo nếp, gạo đặc sản…) có giá bán cao đã tăng mạnh. Hiện tỷ trọng gạo phẩm cấp cao đã chiếm 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, với giá bán dao động từ 600 - 1.000 USD/tấn.
Tuần qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 465 - 470 USD/tấn, tăng so với mức 460 USD/tấn một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn mạnh, trong khi xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý đầu tiên gia tăng.
hilippines và Trung Quốc vẫn là những khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam trong quý đầu tiên.
Không chỉ Việt Nam, các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu đã ghi nhận giá tăng trong tuần qua do lượng đơn đặt hàng tăng.
Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được chào bán ở mức từ 385 - 392 USD/tấn trong tuần qua, tăng so với mức từ 383 - 389 USD/tấn trước đó do đồng rupee tăng giá. Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh miền nam Ấn Độ cho biết nhu cầu đang tăng.
Người mua đang "ưu tiên" gạo Ấn Độ hơn vì giá thấp hơn so với giá gạo của Thái Lan và Việt Nam.
Còn giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 485 - 490 USD/tấn so với mức 480 - 482 USD/tấn trong tuần trước. Một thương nhân ở Bangkok cho biết các nhà xuất khẩu đang đổ xô mua gạo để đáp ứng các đơn đặt hàng đến từ những nơi như Indonesia. Ông cho biết thêm nguồn cung trong nước cũng đang thắt chặt vì đã đến cuối vụ và sẽ có thêm nguồn cung vào tháng 6 và tháng 7/2023.
Bangladesh, nước đang tích cực mua gạo từ nông dân trong nước để đảm bảo mức giá hỗ trợ, đang xây dựng kho dự trữ cho các chương trình phúc lợi của nhà nước và đáp ứng nhu cầu khẩn cấp, sẽ tăng mức giá thu mua từ 40 taka/kg (0,38 USD/kg) trong một năm trước lên 44 taka/kg (0,41 USD/kg). Chính phủ nước này sẽ mua 1,2 triệu tấn gạo từ nông dân địa phương bắt đầu từ ngày 7/5 đến 31/8.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đi ngược chiều nhau phiên 14/4; trong đó giá ngô và lúa mỳ tăng, còn giá đậu tương giảm nhẹ.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 5/2023 tăng 14 xu (2,15%) lên 6,6625 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 5/2023 tăng 15,5 xu (2,32%) lên 6,825USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 0,5 xu (0,03%) xuống 15,005 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá đậu tương sụt giảm khi có tin các tàu thuyền vận chuyển đậu tương xuất khẩu đã rời cảng Brazil và đang hướng đến bờ biển phía đông nam Mỹ.
Nhu cầu của Trung Quốc đã thúc đẩy giá ngô, trong khi nhiệt độ lạnh và hạn hán đang diễn ra đã giúp giá lúa mỳ tăng giá. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago đang lạc quan về giá ngũ cốc sau các sự cố kỹ thuật.
Trung Quốc đã đặt mua thêm 382.000 tấn ngô Mỹ. Kể từ ngày 13/4, Trung Quốc đã đặt mua 709.000 tấn ngô của Mỹ. Trung Quốc đã đặt mua 8,5 triệu tấn ngô Mỹ cho niên vụ 2022-2023.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London điều chỉnh giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 5/2023 giảm 33 USD xuống 2.411 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 7/2023 giảm 38 USD xuống 2.344 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 giảm 2,70 xu xuống 193,40 xu/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 7/2023 giảm 2,90 xu xuống 191,50 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm từ 600 – 700 đồng, xuống dao động trong khung 49.900 – 50.400 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn trên cả hai sàn điều chỉnh giảm phiên cuối tuần do đã vào vùng "quá mua", nhà đầu tư cần điều chỉnh cân đối vị thế. Trong khi đó, thị trường vẫn còn nguyên áp lực thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn cho dù các nhà sản xuất chính ở khu vực Nam Mỹ và Indonesia bắt đầu bước vào thu hoạch vụ mùa năm nay ở những vùng quả cà phê chín sớm, giúp giảm bớt mối lo thiếu hụt hàng giao ngay.
Theo các nhà quan sát, chỉ số đồng USD suy yếu kích hoạt các quỹ hàng hóa mua mạnh đã gây áp lực đẩy giá cà phê kỳ hạn lên mức cao mới, trong khi báo cáo tồn kho trên cả hai sàn vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể.