[Báo cáo] Thị trường gạo quý I/2023: Xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm qua
Không nằm ngoài dự đoán trước đó của chúng tôi, xuất khẩu gạo của nước ta đã diễn ra sôi động hơn trong tháng 3 do nguồn cung dồi dào từ vụ thu hoạch Đông Xuân và nhu cầu từ các thị trường truyền thống đang tăng lên.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 3 của nước ta đạt kỷ lục 961.608 tấn, trị giá gần 509 triệu USD, tăng 80% về lượng và 78% về trị giá so với tháng trước, đồng thời tăng 81% về lượng và 93,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I đạt 1,85 triệu tấn, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong 12 năm qua. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của ngành gạo trong quý I thiết lập kỷ lục mới là 981 triệu USD, tăng 34,3% so với quý I/2022.
Ba thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong quý I là Philippines 893.254 tấn, Trung Quốc 340.385 tấn và Indonesia 148.587 tấn, tăng lần lượt 32,9%, 90,7% và 180 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức 465-470 USD/tấn vào giữa tháng 4, cao nhất trong gần 2 năm qua, sau khi có thông tin Indonesia và Philippines đẩy mạnh nhập khẩu bổ sung kho dự trữ quốc gia.
Xuất khẩu gạo của nước ta được cho là sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới do nhu cầu từ các thị trường lớn đang tăng lên. Bên cạnh đó, giá gạo cũng được kỳ vọng sẽ tăng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Với thị trường Trung Quốc, nước này đang đẩy mạnh mua gạo của Việt Nam sau hơn 3 năm đóng cửa phòng dịch. Trong khi Indonesia và Philippines đang tăng cường bổ sung cho kho dự trữ quốc gia.
Mới đây nhất, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã đề xuất nhập khẩu 330.000 tấn gạo để bù đắp sự thiếu hụt dự kiến trong kho dự trữ quốc gia.
Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, Chính phủ Indonesia sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023, trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể. Lượng gạo dự trữ quốc gia nhập khẩu sẽ được sử dụng vào chương trình bình ổn giá gạo, hỗ trợ cho 21,53 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác.
Ngoài ra, các đơn hàng đối với gạo đặc sản của Việt Nam cũng gia tăng. Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, 10 container gạo ST25 vừa được kết nối xuất khẩu thành công sang Cộng hòa Vanuatu, cùng với đó đạt được thỏa thuận về nhiều lô hàng tiếp theo trong năm.
Còn theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Séc, doanh nghiệp tại Séc đang cần mua gạo ST25 đóng gói loại 9 kg, 4 kg và 1 kg, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU. Các doanh nghiệp có năng lực và quan tâm có thể liên hệ với Thương vụ tại Séc theo email: cz@moit.gov.vn để có thêm thông tin.
Về phía cơ quan quản lý, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, đặc biệt trong vụ thu hoạch Đông - Xuân năm 2023, vừa qua, NHNN đã có Văn bản yêu cầu các TCTD, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo dõi sát tình hình thị trường, đánh giá đẩy đủ các cơ hội cũng như rủi ro để xây dựng phương án giao dịch, ký kết hợp đồng phù hợp, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu và góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân với giá có lợi.
Bên cạnh đó, lưu ý phương án phòng ngừa các rủi ro về giá cả, thanh toán và giao hàng trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới đang chịu nhiều tác động. Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thường xuyên cập nhật tình hình cho Hiệp hội lương thực Việt Nam và Bộ Công Thương để phục vụ công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như kịp thời có biện pháp hỗ trợ thương nhân
Chi tiết báo cáo thị trường gạo quý I-2023 tại đây: