|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ai là kẻ đứng sau vụ tấn công cầu Crimea?

10:47 | 10/10/2022
Chia sẻ
Các chuyên gia quân sự đã đưa ra một vài giả thuyết về vụ tấn công cầu Crimea, từ xe tải chở bom, tên lửa chống hạm cho đến tàu ngầm không người lái.

Theo Financial Times, vụ tấn công vào cầu Crimea (Kerch) đã khiến cả Moscow và Kiev bất ngờ về quy mô và sự chuẩn bị. Các chuyên gia đang băn khoăn không biết ai là kẻ đứng sau vụ tấn công, và cách thức thực hiện.

Từ những thông tin hiện có, các chuyên gia quân sự đã đưa ra một vài giả thuyết về vụ tấn công. Nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi đến nguyên nhân thật sự khiến cầu Kerch, một biểu tượng của nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, bị hư hại.

Ông NR Jenzen-Jones, một chuyên gia về vũ khí và đạn dược tại Armament Research Services cho biết: “Còn quá sớm để khẳng định chắc chắn về nguyên nhân của vụ nổ nếu chỉ dựa trên những thông tin công khai”.

Ông Viktor Andrusiv, người từng là cố vấn Bộ nội vụ Ukraine, cho biết ông đã tham gia một đơn vị đặc biệt cùng với quân đội nghiên cứu các phương án khả thi nhằm phá hủy cây cầu.

Ông Andrusiv đã công khai kêu gọi phá hủy cây cầu trong nhiều tháng. Ông cho biết: “Việc phá hủy cây cầu không phải là một nhiệm vụ dễ dàng chút nào. [Cầu Crimea] được bảo vệ rất tốt, từ trên không, trên biển và trên bộ”.

Ảnh vệ tinh cho thấy vụ nổ khiến tàu chở nhiên liệu ở tuyến đường sắt bên trên bị cháy và làm sập hai nhịp cầu đường bộ. (Ảnh: Maxar Technologies).

Tên lửa đã được sử dụng?

Hầu hết các chuyên gia quân sự cho rằng kiểu tấn công bằng tên lửa khó xảy ra. Cây cầu nằm ngoài tầm với của hệ thống tên lửa dẫn đường tầm trung HIMARS do Mỹ viện trợ. Washington cũng cho biết loại vũ khí này không được sử dụng nhằm vào cây cầu.

Vào hồi tháng 4, sau vụ chìm tàu tuần dương Moskva của Nga, nhiều thông tin cho rằng tên lửa chống hạm Neptune do Ukraine sản xuất đã được sử dụng để đánh đắm niềm tự hào của hạm đội Biển Đen.

Các nhà phân tích nhận định rằng vụ tấn công chính xác đáng ngạc nhiên trên cho thấy các đồng minh phương Tây có thể đã hỗ trợ tinh chỉnh vũ khí cho Ukraine. Cho đến nay, Washington vẫn từ chối yêu cầu của Ukraine về các tên lửa tầm xa hơn.

"Kiểm tra thời tiết có nhiều mây - sấm sét, mưa không?", một quan chức phương Tây cho biết khi được hỏi về nguyên nhân khiến một đoạn cầu Crimea sập. Có thể chuyên gia này đang nhắc đến Grim2, một loại tên lửa của Ukraine có tầm bắn lý thuyết lên tới 500 km, được phát triển trong nhiều thập kỷ. 

Grim và Grom (tên lửa thế hệ trước của Grim) là những từ trong tiếng Ukraine để chỉ sấm sét. Tổng thống Ukraine cũng mô tả thời tiết ở Bán đảo Crimea là “nhiều mây” vào hôm 8/10.

Tàu tuần dương Moskva của Nga sắp chìm. Ảnh chụp hôm 13/4/2022. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Một vụ đánh bom xe tải?

Giả thuyết phổ biến nhất là một vụ nổ bom từ một chiếc xe tải màu trắng được xác định trong video an ninh. “Có thứ gì đó trong chiếc xe tải đã phát nổ”, một kỹ sư kết cấu của Ukraine cho biết. "Có vài thứ đặc biệt."

Một quả cầu lửa xuất hiện ngay khi chiếc xe tải đang đi song song với một đoàn tàu chở nhiên liệu, khiến vụ hỏa hoạn lan sang cả con tàu chở nhiên liệu bên trên. Kết quả là cả giao thông đường bộ lẫn đường sắt đều bị ảnh hưởng.

Kỹ sư của Ukraine này cho rằng, nếu nguyên nhân khiến cầu Kerch hư hại là do vụ đánh bom xe tải, thì vụ nổ phải được điều khiển từ trên không hoặc bởi một phương tiện khác gần đó.

Các nhà điều tra Nga cho biết đã có 3 người đã thiệt mạng trong vụ nổ, nhưng không rõ những người này là kẻ thực hiện vụ tấn công hay chỉ là người ngoài cuộc vô tội.

Ông Serhiy Kuzan, một cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine, không đồng tình với ý kiến này. Ông nói: “Chúng tôi thấy rằng công trình hỗ trợ xây dựng cầu đường bộ bị phá hủy ở hai vị trí”. Ông cho rằng việc đổ lỗi cho một chiếc xe tải cho phép Nga coi vụ việc là tấn công khủng bố chứ không phải là một hành động quân sự có chủ đích.

Tổng thống Putin lái xe tải qua cầu Crimea trong ngày khánh thành của cây cầu. (Ảnh: TASS).

Ngược lại, ông Andrusiv lại cho biết: “Đó là một vụ đánh bom xe tải, và rất có thể, chiếc xe tải này cũng đang chở hóa chất nông nghiệp”.

Theo RT, vào hôm 8/10, cả hai tờ báo của Mỹ là New York TimesWashington Post đều cho biết Ukraine đứng đằng sau vụ nổ trên cầu Crimea.

Một quan chức cấp cao của Ukraine được New York Times phỏng vấn tuyên bố rằng Kiev đứng sau vụ nổ. Người này nói thêm rằng vụ tấn công là do cơ quan tình báo Ukraine chủ mưu. Cơ quan này đã sắp xếp một quả bom để đặt trên một chiếc xe tải đang chạy qua cầu.

Tuyên bố trên được lặp lại bởi Washington Post. Tờ báo này dẫn lời một quan chức chính phủ Ukraine, cũng cho rằng vụ nổ là do các đơn vị đặc biệt của Kiev dàn dựng. 

Trang tin tức Ukrainska Pravda, dẫn một nguồn tin trong các cơ quan an ninh của Kiev, cho rằng cơ quan tình báo Ukraine (SBU), đứng sau vụ tấn công.

Một cuộc tấn công dưới nước?

Độ nhiễu của đoạn video an ninh đã dấn đến nhiều giả thuyết khác, ít hợp lý hơn. Một số cảnh quay cho thấy một con tàu đang di chuyển dưới cây cầu vào thời điểm vụ nổ xảy ra.

OSINT Amateur, một nhóm điều tra độc lập viết trên Twitter: “Có thể một con tàu điều khiển từ xa chất đầy thuốc nổ với cảm biến để kích nổ khi đi qua cây cầu?”.

Tuy nhiên, một bức ảnh chụp mặt dưới của đoạn cầu bị sập, được chia sẻ trên mạng xã hội không cho thấy vết cháy hoặc kim loại bị phá hủy trong một vụ nổ từ dưới mặt nước.

Trước đó, các bức ảnh về một tàu ngầm không người lái dạt vào bờ biển Crimea đã được chia sẻ trên mạng xã hội, cho thấy Ukraine có khả năng thực hiện một vụ tấn công từ dưới nước.

Ai đã tiến hành vụ tấn công?

Các chuyên gia quân sự tin rằng cơ quan tình báo Ukraine (SBU) rất có thể là đơn vị thực hiện vụ tấn công. Ông Andrusiv cho biết lực lượng đặc biệt đã nghiên cứu các phương án tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái, tàu ngầm không người lái, thuyền tàng hình và một quả bom xe tải. 

Tên lửa của Ukraine không có độ chính xác ở tầm bắn này, còn các lựa chọn khác cần có vũ khí chuyên dụng mà Ukraine không có sẵn.

Một cố vấn phương Tây đã mô tả cơ quan tình báo Ukraine là sự kết hợp giữa năng lực của NATO và sự bí ẩn của Mossad. SBU đã thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt sâu trong những vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát, sử dụng quân du kích và lực lượng tinh nhuệ.

Chiến lược thông tin sai lệch, lảng tránh, buộc tội ngược của Ukraine và các đồng minh về cuộc tấn công đã gieo rắc những thông tin sai lầm, hoặc ít nhất là sự nhầm lẫn, khiến Điện Kremlin khó đoán biết khả năng của Kiev.

Ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Zelensky, thậm chí còn cho rằng các cuộc đấu đá nội bộ ở Moscow là nguyên nhân cho vụ tấn công. Ông nói với Financial Times: “Đây là biểu hiện cụ thể về sự xung đột giữa [cơ quan tình báo] và [quân đội]”.

Để làm bằng chứng, ông chỉ ra thực tế rằng chiếc xe tải nhìn thấy trong video di chuyển từ Nga đến Crimea. Vào hôm 9/10, Tổng thống Putin cho biết "không nghi ngờ gì" rằng Ukraine đứng sau vụ nổ, gọi đây là một vụ tấn công khủng bố.

Chuyên gia vũ khí Jenzen-Jones cho biết thông điệp mà cuộc tấn công gửi đi mạnh hơn tác động vật lý của nó. Vụ nổ dường như chỉ khiến một trong hai làn đường bộ bị phá hủy.

"Nếu thiệt hại đối với cầu Kerch thực sự là do một cuộc tấn công của Ukraine, thì đó là một chiến thắng về mặt tuyên truyền hơn là một chiến thắng trong chiến trường”, ông nói.

Minh Quang