|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

6 cách 'thanh lý' áp lực và sử dụng hiệu quả 24 giờ làm việc tại nhà

08:30 | 10/09/2021
Chia sẻ
Cảm giác phấn khích khi làm việc tại nhà sẽ dần mất đi khi bạn nhận ra vấn đề của sự đơn độc. Vậy làm thế nào để nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân và hoàn thành công việc đúng hạn mà không kiệt sức?
6 cách 'thanh lý' áp lực và sử dụng hiệu quả 24 giờ làm việc tại nhà - Ảnh 1.

.(Ảnh: ideas.ted.com).

Một bài viết của Morra Aarons-Mele.

Thật tuyệt vời khi được làm việc tại nhà vì chúng ta có thể thoải mái chọn không gian hoạt động mà không bị bất kỳ ai kiểm soát. "Tôi có thể soạn bài trên giường ngủ và giải lao bất cứ khi nào mình muốn". Kể cả người làm việc tự do (freelancer) đôi khi vẫn sẽ bị giám sát và khiển trách nhưng khi làm việc từ xa, không ai có thể trực tiếp la mắng bạn.

Song, sự tuyệt vời chỉ nằm ở giai đoạn mới mẻ ban đầu. Cảm giác phấn khích sẽ dần chuyển sang lo lắng khi bạn nhận ra những vấn đề của sự đơn độc. Bạn sẽ phải một mình chống lại đường truyền wifi chậm chạp, những cuộc gọi chập chờn cùng sự ồn ào của lũ trẻ và thú cưng. 

Những rắc rối kể trên có thể ảnh hưởng đến năng suất và cắp đi thời gian quý báu. Nó khiến nhiều người kiệt sức vì phải làm việc đến nửa đêm để hoàn thành nhiệm vụ trong ngày. Không gian tại nhà còn chi phối sự tập trung bởi những công việc dang dở. Từ chiếc bánh mì đang nướng trong lò đến buổi trưa của thú cưng...đều biến thành trở ngại.

Vậy làm thế nào để nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân và hoàn thành công việc đúng hạn mà không kiệt sức? Hãy thử vận dụng 6 cách sau để "thanh lý" áp lực và sử dụng hiệu quả một ngày làm việc tại nhà.

Quản lý thời gian sử dụng email 

Bạn không phải là người duy nhất cảm thấy hồi hộp khi nghe tiếng ding ding phát ra từ hộp thư đến. Đó có thể là email của khách hàng, đồng nghiệp, kế toán và thậm chí là bạn bè. Nhưng hầu hết chúng ta đều có thói quen đọc hoặc trả lời thư ngay lập tức. 

Và thậm chí nhiều người còn cố gắng suy đoán về thái độ của người viết qua từng con chữ rằng "Liệu họ đang vui vẻ hay tức giận?". Và điều đó không hề có ích cho sức khoẻ tinh thần của bạn. Song, đây lại là phản xạ thông thường của thế hệ sống trong thời đại số.

Để thoát khỏi tình trạng này, thỉnh thoảng, bạn nên rời khỏi các thiết bị điện tử và tự giới hạn thời gian trả lời email. Hãy xem lại lịch trình của mình và chọn thời điểm thích hợp sau giờ làm để tắt hoặc tránh xa điện thoại và máy tính trong 1 - 2 giờ. Nhưng để đảm bảo công việc tập thể, bạn cần chủ động liên hệ trước với đồng nghiệp và thông báo về trạng thái tạm nghỉ của mình. Bạn cũng có thể bật chế độ "đi vắng" để không ai thắc mắc về việc bạn đột ngột biến mất.

Học cách chủ động kết thúc ngày làm việc

"Hôm nay bạn đã làm rất tốt, đã đến lúc để nghỉ ngơi" là điều ai cũng muốn nghe sau một ngày dài mệt mỏi. Nhưng đừng để mình rơi vào thế bị động vì chủ động kết thúc ngày làm việc sẽ giúp bạn duy trì năng lượng. Nhà tâm lý học Alice Boyes khuyên khích giới hạn thời gian làm việc đối với những công việc áp lực cao. Vì đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải và kiệt sức. Và để thiết lập ranh giới giờ làm, bạn cần một sự chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Hãy tạo danh sách những việc cần làm vào buổi sáng (hoặc một ngày trước đó) nhưng đừng bao giờ lý tưởng hoá khối lượng công việc của mình. Thay vào đó, nên cân nhắc thứ tự ưu tiên và số lượng đầu đầu việc cẩn thận dựa trên thực tiễn. Bằng kinh nghiệm bản thân, hãy ước lượng thời gian hoàn thành từng nhiệm vụ và luôn trừ hao để phòng ngừa rủi ro phát sinh trong quá trình làm việc. Sau đó, hãy đóng các thiết bị điện tử không cần thiết và tập trung làm tốt các công việc có trong danh sách.

Trả lời câu hỏi: "Vì sao tôi phải lo lắng?"

Để hiểu được động cơ và nguyên nhân đằng sau sự lo lắng, hãy theo dõi cách não bộ phản ứng với những cảm xúc tiêu cực. Đầu tiên, hãy tìm ra gốc rễ của nỗi sợ. Ví dụ, những người hay trăn trở về tài chính luôn sợ hãi các tin tức kinh tế và công việc liên quan đến tiền bạc. Vì vậy, họ có thể bị kiệt sức khi buộc phải chuẩn bị báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Các nhà trị liệu hành vi nhận thức gọi phản ứng này là sự lo lắng tự phát. Do đó, thay vì đối mặt, bạn hoàn toàn có lẫn tránh chúng. Hãy chi phối cảm xúc của mình bằng những niềm vui nhỏ nhặt, linh tinh như kẹo hoặc đồ ăn vặt. Song, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn. Theo thời gian, bạn nên học cách kiểm soát cách phản ứng của bản thân.

Lúc đó, bạn có thể bàn giao công việc cho người khác hoặc tự treo thưởng mỗi khi cần hoàn thành nhiệm vụ. Nếu xem xét tình hình tài chính của công ty khiến bạn cảm thấy khó khăn thì có lẽ đối tác kinh doanh nên giúp bạn làm điều đó. Nhưng nếu bạn buộc phải tự mình thực hiện, hãy cho phép bản thân thư giãn với Netflix sau khi kết thúc công việc. 

Tạo động lực hoàn thành công việc bằng suy nghĩ tích cực

Cảm giác lo lắng sẽ khiến một nhiệm vụ đơn giản trở nên phức tạp. Theo Bác sĩ tâm lý gia đình Jonathan Baxter, áp lực công việc (dù là việc tập thể dục, dọn dẹp hay nuôi dạy con cái...) đều liên quan đến mong muốn nội tại. 

Vì vậy, trước khi thực hiện bất kỳ việc gì hãy dành thời gian để khởi động cơ thể. Thay vì xem chúng là nghĩa vụ bắt buộc hãy để bản thân ý thức về quyền tự quyết của chính mình. Vì ta hoàn toàn có thể thoải mái lựa chọn. Vì vậy, thay vì chùn bước bởi những khó khăn trước mắt, hãy tự tạo động lực bằng những lợi ích lâu dài. 

Ví dụ, nếu việc viết báo cáo tài chính khiến bạn mệt mỏi, hãy nghĩ rằng, điều đó sẽ giúp bạn nắm rõ tình hình tài chính của công ty và phát hiện ra những vấn đề tiềm ẩn nhằm tìm ra giải pháp xử lý kịp thời.

Tạm biệt nhiệm vụ bất khả thi và chào đón các hoạt động thể chất 

Hãy chọn một hoạt động thể chất mỗi khi bạn cảm thấy bế tắc. Thay vì ngồi hàng giờ tại bàn làm việc và dán mắt vào máy tính, hãy thực hiện những điều có ích cho cơ thể. Bạn có thể làm việc nhà, nấu ăn, làm vườn và thậm chí là đi bộ tại gia...

Bạn có thể làm mọi thứ miễn là giữ bản thân không chạm vào máy tính. Và hãy luôn lưu ý đến tâm trạng của mình sau khi vận động nhẹ bằng cách trả lời những câu hỏi sau: Mất bao lâu để bạn thoát khỏi trạng thái lo lắng? Và có hoạt động cụ thể nào giúp bạn lấy lại tinh thần làm việc hay không?

Không ngừng thử nghiệm và tìm ra phương pháp phù hợp

Bộ não của mỗi người sẽ rơi vào trạng thái ảm đạm bởi những nguyên nhân khác nhau. Trong khi một số người sợ hãi doanh nghiệp phá sản, thì số khác lại kiệt sức vì quá đắn đo. Để theo đuổi sự nghiệp, bạn cần tìm ra vấn đề của bản thân. Khi đó, hãy sử phương pháp phù hợp nhất để thoát khỏi sự lo lắng.

Nếu bạn là một người hay đắn đo, danh sách việc cần làm và lịch trình chi tiết sẽ là công cụ hữu ích nhất vì nó sẽ giúp bạn đặt ra những mục tiêu ngắn hạn cụ thể. Nhưng nếu bạn là một người có quá nhiều năng lượng và cần được giải phóng, hãy chọn ít nhất một hoạt động thể chất sau giờ làm. Và nếu bạn là một người hướng ngoại thực thụ, hãy cố gắng tạo ra sự gắn kết chân thực với đồng nghiệp, điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm sau một ngày vất vả.

Tạm kết

Giống như tất cả các kỹ năng khác, chúng ta cần rất nhiều thời gian để học cách kiểm soát tâm trạng khi làm việc từ xa. Làm việc độc lập, thiếu tương tác sẽ là thách thức lớn với tất cả mọi người. Đặc biệt là khi chúng ta đang đang sống trong một xã hội đề cao tính hướng ngoại và không ngừng vận động. Do đó, không có vấn đề gì khi thỉnh thoảng bắt gặp trạng thái yếu đuối của chính mình. Vì hơn ai hết, ta mới là người cần kiên nhẫn với bản thân.

Quỳnh Hoa