|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Big Tech thận trọng trong việc đưa nhân viên trở lại văn phòng khi số lượng người lao động xin nghỉ việc tăng cao

07:31 | 04/04/2022
Chia sẻ
Trong suốt hai năm qua, phần lớn nhân viên đã quen với hình thức làm việc từ xa thay vì lên văn phòng. Do đó, việc thay đổi môi trường làm việc có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khác nhau.

Đầu tuần này, Google sẽ đưa hầu hết nhân viên trở lại các văn phòng làm việc theo lịch trình lên công ty ít nhất ba ngày/tuần. Người đại diện Google cho biết kể từ khi đại dịch bùng phát, đây là thời điểm mà công ty muốn mọi người quay lại văn phòng, theo CNBC.

 

Rất nhiều nhân viên không hiểu tại sao và họ tỏ ra lo ngại về việc phải lên văn phòng sau thời gian dài ở nhà. Hành động của Google được các nhà tuyển dụng đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, đặc biệt khi giá xăng tăng cao khiến việc đi lại phát sinh nhiều vấn đề.

Các công ty công nghệ nói riêng đã hoạt động tốt hơn trong thời kỳ đại dịch, một phần nhờ vào các công cụ cộng tác dựa trên dịch vụ đám mây. Nhân viên đã quen với sự linh hoạt và thời gian dành cho gia đình.

Hiện nay, các công ty phải đối mặt với một bài kiểm tra để xem nhân viên sẽ phản ứng như thế nào khi một số tình huống công việc tùy chọn trở nên bắt buộc và thị trường lao động tiếp tục bị thắt chặt.

Megan Slabinski, lãnh đạo công ty tư vấn Robert Half cho biết 2/3 công ty sử dụng lao động nói rằng họ muốn nhân viên trở lại văn phòng với “năng lực gần như toàn thời gian”. Ngược lại, một nửa số nhân viên được hỏi nói rằng họ muốn tìm một công việc mới nếu việc lên văn phòng là điều bắt buộc.

 

 Google sẽ đưa nhân viên trở lại văn phòng. (Ảnh: CNBC).

 

 

Đưa nhân viên trở lại

Tháng 6/2021, gã khổng lồ Amazon đã lên kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng, đồng thời cho phép mọi người làm việc tại văn phòng ba ngày/tuần thay vì toàn thời gian. Tuy nhiên, tới tháng 10/2021, Amazon lại thông báo rằng từng bộ phận có thể đưa ra các quyết định riêng.

Đầu năm ngoái, khi Google lần đầu cố gắng đưa nhân viên trở lại văn phòng trước khi các trường hợp mắc COVID-19 tăng đột biến trở lại, công ty cho biết nhân viên có thể đăng ký làm việc từ xa trong tối đa 12 tháng, nhưng sẽ chỉ được chấp thuận trong “những trường hợp đặc biệt nhất”. Họ cũng có thể được gọi trở lại văn phòng bất cứ lúc nào. Kể từ đó, Google cho biết họ đã chấp thuận 85% yêu cầu nghỉ việc, hoặc làm việc từ xa vĩnh viễn.

“Bạn đã trưởng thành và chúng tôi tin tưởng bạn sẽ đưa ra các quyết định phù hợp nhất cho bản thân, gia đình và cuộc sống của bạn, đồng thời tôn trọng mọi ý kiến. Chúng tôi không quá mọng đợi vào hình thức làm việc kết hợp”, Prabhakar Raghavan, một người thuộc ban lãnh đạo Google cho biết.

Trong một cuộc họp gần đây, CEO Google Sundar Pichai cho biết “mọi người có mong muốn thực sự được giao tiếp và cộng tác vì vậy chúng tôi đang cố gắng cân bằng tất cả những điều đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng mọi khả năng có thể xảy ra”.

Ông nói thêm rằng việc đưa nhân viên quay lại làm việc là để họ hiểu thêm về đồng nghiệp mới. “Chúng tôi đã thuê rất nhiều người trong hai năm qua, những người không hiểu về cách thức hoạt động của công ty”, ông Pichai nhấ mạnh.

Ngay cả Twitter, công ty đã công bố vào năm 2020 rằng nhân viên có thể làm việc từ xa “mãi mãi”, đã nói với nhân viên vào tháng trước rằng “làm việc phân tán sẽ khó hơn rất nhiều so với làm việc tập trung”.

Các doanh nghiệp chờ đợi người khởi xướng

Bà Slabinski cho biết một số công ty đang chờ xem những doanh nghiệp khác sẽ làm gì trước khi đưa ra quyết định lớn.

“Tôi nghĩ rằng cần có một người đi đầu. Amazon đã lùi bước khi họ bắt đầu thấy các vấn đề xảy ra. Google cũng chứng kiến nhiều đơn xin nghỉ việc hơn khi họ yêu cầu mọi người quay trở lại”, theo bà Slabinski.

 Các công ty như Amazon đang đi chậm rãi trong kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng. (Ảnh: CNBC).

Colin Yasukochi, CEO công ty bất động sản CBRE hy vọng thị trường bất động sản thương mại tại San Francisco sẽ cạnh tranh hơn trong quý II và quý III, khi nhu cầu sử dụng văn phòng tăng lên.

“Tất cả họ đều bước đi một cách chậm rãi bởi vì họ thực sự không muốn mất đi những nhân viên chủ chốt. Không có gì tệ hơn việc bạn dậy sớm, ăn mặc lịch sự rồi cuối cùng lại trở thành người duy nhất xuất hiện tại công ty” ông Yasukochi nói.

Đặt cược vào cuộc chơi

Khả năng giữ chân và sự hài lòng của nhân viên là yếu tố quan trọng hơn bao giờ hết trong lĩnh vực công nghệ khi số lượng nhân viên bỏ việc tại Mỹ đang tăng kỷ lục. Việc bắt mọi người phải tới văn phòng làm việc khiến tỷ lệ rủi ro gia tăng.

“Họ đang tung xúc xắc và đó là một canh bạc mà tôi không chắc mình muốn thấy trong môi trường cạnh tranh hiện nay”, bà Slabinski nói.

Google đang thất bại với một trong những thủ thuật hay nhất của mình: Đặc quyền. Trước khi công ty công bố ngày trở lại mới, David Radcliffe, người quản lý bộ phận đầu tư bất động sản của Google đã viết một email cho nhân viên tại Bay Area, thông báo rằng các tiện nghi trong khuôn viên như trung tâm thể dục, sảnh khách, phòng trò chơi và dịch vụ massage đã mở cửa trở lại.

Có một số dấu hiệu cho thấy những thứ khác cũng đang quay trở lại. Brandi Susewitz, CEO công ty nội thất Reseat cho biết hoạt động kinh doanh đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 12/2021. Hầu hết khách hàng của họ đều “lạc quan một cách thận trọng” trong việc lập kế hoạch đưa nhân viên quay lại văn phòng. Reseat là nhà cung cấp đồ nội thất cho các công ty như Yelp, Uber và Oracle.

“Thay vì chỉ định chỗ ngồi, các công ty đang cải tạo để làm cho văn phòng có chỗ ngồi thông thoáng, giống như đang ở trong khách sạn. Điều này sẽ khiến nhân viên thoải mái hơn”, bà Susewitz nhấn mạnh.

 

Doanh Chính

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.