|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

4 'cá mập' giành giật Curnon Watch trong Shark Tank Việt Nam

09:04 | 19/07/2018
Chia sẻ
Hai nhà sáng lập Curnon Watch đã thực sự gây ấn tượng và sự quan tâm cho các nhà đàu tư bởi bản lĩnh, câu chuyện, sự am hiểu thị trường cũng như chiến thuật marketing.
4 ca map gianh giat curnon watch trong shark tank viet nam Cặp vợ chồng bán nước mắm nhận 6 tỷ đồng trong Shark Tank Việt Nam

Curnon Watch - Thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam

Nguyễn Quang Thái và Trịnh Anh Đức là hai người đồng sáng lập thương hiệu đồng hồ thời trang thương hiệu Việt Nam đầu tiên – Curnon Watch. Công ty ra đời vào cuối năm 2016 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Hiện tại công ty có 4 cổ đông. Thái và Đức sở hữu 60% cổ phần, một người đồng sáng lập khác sở hữu 10% và một nhà đầu tư thiên thần (angel investor) chi 1 tỷ đồng để nắm 30%.

Xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam vào tối 18/7, hai chàng trai kêu gọi số vốn 5 tỷ cho 15% cổ phần Công ty TNHH Đồng hồ thời trang Curnon Watch.

4 ca map gianh giat curnon watch trong shark tank viet nam
Hai đồng sáng lập của Curnon Watch - Quang Thái và Anh Đức. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Tại Việt Nam, thị trường đồng hồ đeo tay có hai phân khúc rõ ràng. Phân khúc thứ nhất là các sản phẩm không đảm bảo chất lượng và không có thương hiệu riêng, còn phân khúc thứ hai là mẫu đồng hồ với thương hiệu nước ngoài cao cấp và lâu đời, cùng với mức giá cả khá đắt đỏ.

Nhìn thấy cơ hội từ khoảng trống thị trường rất lớn giữa hai phân khúc, thương hiệu Curnon Watch phục vụ đối tượng khách hàng là các bạn trẻ 20 – 30 tuổi. Quy mô thị trường lên tới 11 triệu người Việt, quy mô thị trường là 4,4 tỷ USD (chỉ tính riêng trong ngành hàng bán lẻ thời trang). Đặc thù của đối tượng khách hàng này là họ có khả năng chi trả 1 - 2 triệu đồng/tháng cho những sản phẩm thời trang. Công ty hướng tới những người trẻ ưa trải nghiệm, thích tính cộng đồng và kết nối và có thói quen mua sắm trực tuyến.

Trong một năm qua, Curnon Watch đã tung ra thị trường 33 sản phẩm với tốc độ xuất sản phẩm là 2 tuần/sản phẩm. Hiện tại, công ty có 3 cửa hàng mới tại Hà Nội, một trang thương mại điện tử riêng và xây dựng cộng đồng trên các trang mạng xã hội.

Doanh thu năm 2017 là 4,2 tỷ. Lãi ròng khoảng 20%. Doanh thu đến từ thương mại điện tử chiếm 70% và 30% đến từ các cửa hàng. Giá trị trung bình mỗi đơn hàng là 2,1 triệu đồng. Tỷ suất lợi nhuận/khách hàng gấp 6 lần chi phí bỏ ra để có một người mua. Doanh thu mục tiêu năm tới là 15 tỷ.

Hai nhà sáng lập muốn dùng số vốn mà họ huy động trong Shark Tank Việt Nam để mở rộng quy mô kinh doanh. Trong năm tới, công ty đặt mục tiêu đưa thương hiệu hiện diện tại 5 thành phố lớn, với ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh marketing online. Bên cạnh đó, tầm nhìn của công ty không chỉ dừng lại ở đồng hồ thời trang. Họ sẽ dùng một phần vốn cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm và thương hiệu.

Curnon là tiếng La-tinh, có nghĩa là “Why not?” - truyền tải thông điệp tinh thần dám nghĩ, dám làm, không ngại thử thách và khó khăn của tuổi trẻ. Hai nhà sáng lập tin rằng mọi chặng đường, dù ngắn hay dài, đều bắt đầu từ những bước nhỏ nhất. Chính với lối tư duy như vậy, Curnon muốn góp một phần nhỏ trong quá trình thúc đẩy những người trẻ Việt trên con đường tìm đến giấc mơ của bản thân, để tạo cú hích cho các bạn đang từ “người nhìn mọi việc xảy ra” trở thành “người khiến mọi việc xảy ra.”

Lợi nhuận chưa phải ưu tiên hàng đầu

Công ty có một đội ngũ thiết kế và họ hợp tác với xưởng của Trung Quốc, sử dụng máy móc của Nhật Bản.

Anh Đức cho biết, tại thời điểm này điều ưu tiên của Curnon Watch là sự phát triển nhanh chóng của công ty và chưa chú trọng vào lợi nhuận, miễn sao công ty thu lại đủ số vốn để trang trải chi phí hoạt động. Tính đến thời điểm hiện tại, hai nhà đồng sáng lập vẫn chưa nhận lương từ hoạt động của Curnon và có nguồn thu nhập thụ động từ hoạt động đầu tư vào tiền điện tử.

Với doanh số 2.000 đồng hồ khách hàng đã mua trong một năm vừa qua, Anh Đức tin rằng đó là câu trả lời chứng minh thế hệ trẻ Việt sẵn sàng đeo đồng hồ Việt. 40% khách hàng đến từ Hà Nội, 35% đến từ TP HCM và số còn lại đến từ một số thành phố lớn khác.

4 ca map gianh giat curnon watch trong shark tank viet nam
Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Ông Hưng cho rằng ở Việt Nam có các đồng hồ không chỉ mang tính thời trang mà có thêm yếu tố công nghệ, ví dụ như Casino. Bên cạnh đó, còn có dòng đồng hồ replica (loại hàng được sao chép như thật, hay còn gọi là hàng giả cao cấp) được bày bán trực tuyến tràn lan.

Anh Đức thừa nhận rằng hàng replica là đối thủ nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng của Curnon Watch hướng đến là lứa tuổi từ 20 -30 tuổi, ưa tính kết nối, thích trải nghiệm và tôn trọng tính chân thực của một thương hiệu, mong muốn sở hữu thương hiệu đồng hồ thật thay vì đồng hồ giả. Vì thế, Curnon Watch đánh vào thế mạnh tính cộng đồng và thương hiệu để có thể cạnh tranh với các sản phẩm replica.

Quang Thái cho biết công ty đang quảng cáo sản phẩm trên các phương tiện mà các bạn trẻ ưa chuộng như Facebook, Instagram, Google và kể cả website. Họ hiểu yếu tố để tối ưu hoá quy trình bán hàng trực tuyến. Nhận thấy chiến dịch quảng cáo sử dụng hình ảnh những người có sức ảnh hưởng lớn không hiệu quả, họ áp dụng chiến lược kết hợp nhiều người có sức ảnh hưởng nhỏ (micro influencer) cùng tiếp thị truyền miệng.

Các 'cá mập' thương thuyết nảy lửa

"Vua chảo" Phú ra quyết định không đầu tư vì “anh chưa bao giờ đeo đồng hồ”. Là một người yêu đồng hồ và coi đó như một món trang sức, bà Thái Linh đánh giá cao sự am hiểu của Thái và Đức về mối quan hệ kinh doanh online, offline. Bà đưa ra lời đề nghị 5 tỷ đồng đổi lấy 45% công ty và trả lại 20% cổ phần cho đồng sáng lập sau khi xem xét các KPI đạt được.

Louis Nguyễn đánh giá hai đồng sáng lập có nhiều năng lượng, hiểu biết thị trường và giỏi về marketing, và thái độ cũng tốt. Ông đưa ra lời đề nghị đầu tư kết hợp cùng với doanh nhân Dzung Nguyen. Theo đề xuất của Louis, ông đầu tư 3 tỷ, ông Dzung đầu tư 2 tỷ, đổi lấy 40% công ty. Sau một thời gian đánh giá KPI, hai nhà đầu tư sẽ xem xét nhượng lại 10% cổ phần cho các nhà sáng lập.

Dzung Nguyen nói ông đã đầu tư vào một thương hiệu thời trang 3 năm trước. Ông cho rằng là người Việt Nam sử dụng hàng ngoại không phải lý do “chuộng ngoại”, mà căn bản là Việt Nam chưa có những thương hiệu đáng tin. Ông tin trong 10 năm nữa, người Việt sẽ có thương hiệu cho chính người Việt sử dụng – không chỉ là “made in Vietnam” mà là “made by Vietnam”.

Hai nhà đầu tư Dzung và Louis tin rằng để xây dựng được một thương hiệu thực sự, Curnon Watch cần thêm nhiều tiền hơn nữa, và cần đến các vòng gọi vốn tiếp theo. Vì vậy, công ty cần một nhà đầu tư “có túi đủ sâu” để sẵn sàng rót thêm nhiều tiền.

Nữ doanh nhân Linh nói rằng hai nhà đầu tư Dzung và Louis có, bà cũng có. Nữ doanh nhân tin bà là đối tác tốt nhất cho Curnon Watch bởi bà là người cũng đang vận hành, đi từng bước và thuộc từng chi tiết việc kinh doanh hàng thời trang online. Bên cạnh đó, khả năng rót thêm tiền không phải vấn đề lớn đối với Shark Linh.

"Đàn ông đeo đồng hồ, mặc hàng thời trang để cho phụ nữ ngắm. Phụ nữ cảm nhận về chúng ta như thế nào quan trọng hơn rất nhiều. Anh ủng hộ chị Linh”, ông Hưng phát biểu.

Để giành được thương vụ từ Curnon Watch, hai doanh nhân Dzung Nguyen và Thái Vân Linh đã đối thoại nảy lửa.

4 ca map gianh giat curnon watch trong shark tank viet nam
Chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2 Tập 3.

- Chị Linh rất bận. Còn thời gian của anh là dành cho startup.

- Nhưng anh có bao nhiêu startup lận?

- Chị Linh không thể dành cho em cả ngày, Anh có thể dành thời gian cho các em 12 tiếng/ngày từ 8h sáng đến 8h tối ".

- Nhà anh Dzung đông con khó nuôi lắm!

- Anh đông con nhưng tất cả các con đều to béo, khoẻ mạnh. Vậy, chứng tỏ anh có cách nuôi, đúng không?

- Quan trọng một điểm nữa, thời trang và công nghệ phải đi với nhau

- Hình như hai bạn đang mô tả chị….

Màn chốt hạ thương vụ đầu tư

Sau cùng, ông Hưng đưa ra lời đề nghị ủng hộ đề nghị của bà Thái Linh. Theo đó, bà Linh bỏ ra 5 tỷ và ông bỏ ra 1 tỷ, đổi lấy 45% và trả lại 20% cổ phần sau vòng gọi vốn thứ 2 nếu đạt KPI.

Trước lời đề nghị của ông Hưng, nhóm sáng lập Curnon Watch muốn chia đôi khoản đầu tư 6 tỷ đồng cho 25% cổ phần. Trong đó, 3 tỷ tiền mặt và 3 tỷ vay trả bằng 10% lợi nhuận trên mỗi sản phẩm. Ông Hưng giải thích rằng, điều mà hai nhà đầu tư quan tâm không phải là thu hồi vốn, mà chính là sự tăng trưởng của công ty.

"Lý do chị muốn 45% ngay từ ban đầu là để chắc chắn hai em tập trung vào công ty, chứ không đầu tư tiền ảo hay Bitcoin. Sau khi đạt được KPI, chị sẵn sàng trả lại cổ phần, chứ không có bất kỳ ràng buộc gì", bà Linh nhấn mạnh.

Ngay sau đó, ông Dzung và ông Louis đề nghị chi 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần - bao gồm 3 tỷ đồng tiền mặt và 2 tỷ đồng là khoản vay chuyển đổi ở mức 25%.

Bà Linh Thái và shark Hưng vẫn chốt hạ 6 tỷ đồng cho 45% và trả lại 20% cổ phần sau vòng gọi vốn thứ hai nếu đạt KPI.

Đứng giữa hai lời đề nghị và mong muốn không bị pha loãng tỷ lệ các cổ đông sáng lập, Quang Thái và Anh Đức sau cùng đã ra quyết định “về với đội” của hai cá mập Louis và Dzung Nguyen.

Xem thêm

Tuệ An