Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc bắt đầu chững lại
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), trong 3 tháng 3,4 và 5, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng cao từ 126%-140%. Mặc dù vậy, trong 3 tháng tiếp sau đó (6,7 và 8), tốc độ tăng chỉ đạt từ 13%-32%, đặc biệt trong tháng 7, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm 17% so với cùng kỳ.
Theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc luôn cao, cộng với thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng tôm sản xuất nội địa của nước này trong năm nay sụt giảm. Do vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc tính tới 15/9/2022 vẫn tăng 56% đạt 438 triệu USD.
Tổng lượng nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong tháng 8/2022 đạt kỷ lục với 95.000 tấn, tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Hồi tháng 7, nhập khẩu tôm của Trung Quốc cũng từng lập kỷ lục với 93.000 tấn.
Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Trung Quốc đã gần bằng 11 tháng đầu năm ngoái, đạt mức 524.000 tấn. Giá trị nhập khẩu tăng 64% lên 3,42 tỷ USD.
Các sản phẩm tôm xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc như tôm hùm sống, tôm chân trắng đông lạnh bỏ đầu/lột vỏ, tôm chân trắng PD tươi/đông lạnh, tôm chân trắng bỏ đầu, bỏ vỏ, bỏ đuôi đông lạnh, tôm sú tươi nguyên con đông semi block…
VASEP nhận định mặc dù Trung Quốc là thị trường tiêu thụ khổng lồ nhưng rất khó để cạnh tranh ở phân khúc chế biến với các nhà chế biến nội địa, do đó các doanh nghiệp cần tập trung duy trì thị phần tôm sơ chế.
“Hiện Trung Quốc có hơn 1.000 nhà máy chế biến tôm và chỉ cần phục vụ thị trường tỷ dân nội địa cũng đủ có lời. Do đó, họ nhập khẩu tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Độ về chế mà không cần phải quan tâm đến quy tắc xuất xứ. Vì vậy, tôm thẻ chân trắng của Việt Nam rất khó cạnh tranh khi xuất khẩu sang thị trường này”,ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) cho biết.
Với Việt Nam, Trung Quốc có nhu cầu lớn với tôm sú nguyên con vì người tiêu dùng thích tôm cỡ lớn, đặc biệt là giới thượng lưu. Loại tôm này chủ yếu được nuôi quảng canh (nuôi dài ngày 6 - 9 tháng) và chỉ có vùng Cà Mau, Bạc Liêu mới có. Trong tháng 8, tỷ trọng tôm Việt Nam tại Trung Quốc chiếm 3% và bị bỏ lại khá xa so với hai đối thủ là Ecuador và Ấn Độ, theo dữ liệu từ Undercurrent News.
Thị trường Trung Quốc mặc dù đã mở cửa trở lại và nới lỏng các quy định liên quan đến COVID-19 tại các cảng biển nhưng quy định về hàng nhập khẩu đông lạnh vẫn rất khắt khe, tạo ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiệp hội cho rằng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong các tháng cuối năm nay dự kiến tiếp tục tăng mặc dù không quá mạnh như các tháng trước đó.
Các nhà nhập khẩu tôm của Trung đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do chính sách hạn chế để phòng dịch COVID-19 của nước này, chi phí vận chuyển tăng, đồng nhân dân tệ mất giá. Do vậy, nếu áp lực tài chính của các nhà nhập khẩu tôm Trung Quốc không được giải tỏa, nhập khẩu tôm nói chung của Trung Quốc có thể giảm trong thời gian tới.