|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm tăng trưởng 41% trong tháng 8: Dấu hiệu của sự phục hồi?

15:29 | 29/09/2022
Chia sẻ
Mặc dù xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh trong tháng 8 nhưng là do nền của năm ngoái thấp. Bên cạnh đó, ngành tôm vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro từ nay đến cuối năm liên quan đến tình hình thiếu nguyên liệu và nhu cầu thấp ở các thị trường lớn.

Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng trưởng 41% nhưng từ nền thấp của năm ngoái

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), xuất khẩu tôm trong tháng 8 đạt 398 triệu USD, tăng mạnh 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù về mặt con số, mức tăng trưởng này được xem là ấn tượng tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng tháng 8 năm ngoái Việt Nam bước vào giai đoạn giãn cách, nhiều nhà máy thuỷ sản phía Nam phải hoạt động 3 tại chỗ.

 Số liệu: Cục Xuất nhập khẩu, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Điều này dẫn đến việc sản xuất, tiêu thụ hàng bị hạn chế và nền kim ngạch xuất khẩu năm ngoái ở mức thấp. Do đó, so với kết quả của tháng 8 năm nay, mức chênh lệch về kim ngạch khá lớn. 

Trên thực tế, nếu xét tăng trưởng hàng tháng, kim ngạch xuất khẩu tôm của tháng 8 chỉ tăng nhẹ 4% so với tháng 7.

Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 24%. Tuy nhiên, nhiều thị trường tiêu thụ truyền thống như Mỹ, Anh đều ghi nhận tăng trưởng âm.

Loạt vấn đề ngành tôm đang phải đối mặt

Sau thời gian bùng nổ vào những tháng đầu năm, ngành tôm đang phải đối mặt với loạt vấn đề liên quan đến việc thiếu nguyên liệu và nhu cầu ở các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ vẫn đang giảm sút và chưa có dấu hiệu phục hồi. 

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chế biến thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vài tháng qua, tình hình nuôi tôm ở ĐBSCL gặp khó khăn do nước ngọt thượng nguồn đổ về sớm làm mất độ mặn ở một số vùng nuôi, khiến giảm quy mô thả giống. 

Song song với đó, tỷ lệ nuôi thành công, năng suất sản lượng đều không như mong muốn. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chế biến tôm than phiền là nguyên liệu không đáp ứng nhu cầu chế biến kịp thời trả đơn hàng trong khi giá tôm nguyên liệu duy trì ở mức khá cao. 

“Tôi có trao đổi thông tin với một doanh nghiệp cung ứng tầm cỡ cho biết 8 tháng đầu năm nay mức tiêu thụ tôm giống tăng 20% và thức ăn nuôi tôm tăng chỉ 3%.

Loại bỏ yếu tố tác động khác, cho thấy sự không đồng bộ trên là do tôm thả nuôi khoảng tháng tuổi bị dịch bệnh khá cao. Dịch bệnh diễn ra trên tỷ lệ ao nuôi khá cao và tỷ lệ thiệt hại chính là số chênh lệch của hai số trên. Theo tôi, con số này có thể đại diện cho tình hình chung diễn biến nuôi tôm hiện nay”, ông Lực cho biết.

Điều này đồng nghĩa sản lượng tôm giảm, giá tôm nguyên liệu cao và nguồn cung tôm kích cỡ lớn cũng ít. Hiện tại, tỷ lệ tôm sống tại Việt Nam chỉ khoảng 40%. 

“Đây là khó khăn chung của ngành ở 6 tháng cuối năm. Chưa kể khó khăn khách quan là tình hình lạm phát và hệ thống logistics quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn sẽ thêm rủi ro”, ông Lực nói thêm.

Ngoài rủi ro về nguồn tôm nguyên liệu eo hẹp, nhu cầu ở các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. 

Theo đó, doanh thu từ Mỹ - thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất Việt Nam với tỷ trọng 20%, tiếp tục giảm sâu 27% trong tháng 8 xuống hơn 68 triệu USD. 

Hoạt động xuất khẩu tôm sang thị trường này bắt đầu chững lại từ tháng 5 và giảm liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 8. Hàng tồn kho tại Mỹ đã đạt mức tối đa bởi những tháng đầu năm nhiều công ty tăng cường nhập hàng sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và cước tàu tăng cao. 

VASEP cho biết tình hình bán hàng tại Mỹ cũng chậm nên các nhà nhập khẩu cũng chưa thực hiện nhiều các đơn hàng mới.

Lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động, chi phí bán hàng tăng cao đã khiến hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ những tháng gần đây gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các đối thủ lớn trên thị trường Mỹ như Ecuador và Ấn Độ vừa có lợi thế về cước tàu vì ở vị trí gần, vừa có tôm giá rẻ.

Còn với Trung Quốc, mặc dù thị trường này có vị trí gần hơn và nhu cầu đang tăng mạnh trở lại nhưng Việt Nam cũng không được hưởng lợi quá nhiều. 

Theo Undercurrent News, lượng tôm nhập khẩu trong tháng 8 phá mức kỷ lục đã thiết lập hồi tháng 7 đạt 95.000 tấn.

Tuy nhiên, lượng tôm nhập khẩu từ Việt Nam lại giảm mạnh tới 63% so với tháng 7 xuống 2.399 tấn. Trong khi các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador, Arab Saudi đẩy mạnh bán hàng sang thị trường này. 

 Số liệu: Undercurrent News (H.Mĩ tổng hợp)

Thời tiết không thuận lợi kèm theo dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng đến những người nuôi tôm phía Nam Trung Quốc trong mùa hè này. Tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng giảm xuống còn 20 - 30% ở một số khu vực. Hiện Trung Quốc đang gom tôm nguyên liệu về để chuẩn bị cho đợt lễ cuối năm nên nhu cầu càng tăng thêm. 

Trong khi đó, Việt Nam không có thế mạnh về tôm nguyên liêu, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là tôm chế biến sâu do đó không thể cạnh tranh với tôm giá rẻ từ các nước như Ecuador và Ấn Độ. 

“Hiện Trung Quốc có hơn 1.000 nhà máy chế biến tôm và chỉ cần phục vụ thị trường tỷ dân nội địa cũng đủ có lời. Do đó, họ nhập khẩu tôm giá rẻ của Ecuador, Ấn Độ về chế mà không cần phải quan tâm đến quy tắc xuất xứ. Vì vậy, tôm thẻ chân trắng của Việt Nam rất khó cạnh tranh khi xuất khẩu sang thị trường này”, ông Lực chia sẻ. 

Với Việt Nam, Trung Quốc có nhu cầu lớn với tôm sú nguyên con vì người tiêu dùng thích tôm cỡ lớn, đặc biệt là giới thượng lưu. Loại tôm này chủ yếu được nuôi quảng canh (nuôi dài ngày 6 - 9 tháng) và chỉ có vùng Cà Mau, Bạc Liêu mới có. Trong tháng 8, tỷ trọng tôm Việt Nam tại Trung Quốc chỉ chiếm 3% và bị bỏ lại khá xa so với hai đối thủ là Ecuador và Ấn Độ. 

  Số liệu: Undercurrent News (H.Mĩ tổng hợp) 

“Tuy nhiên, lượng lớn các giao dịch theo hình thức tiểu ngạch. Do đó các doanh nghiệp lớn như Minh Phú không dám làm vì rủi ro thanh toán. Chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ hơn xuất khẩu tôm sú sang Trung Quốc”, ông Lực nói thêm. 

Hiện tại, Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vì khả quan hơn so với thị trường Mỹ và EU do cước tàu thấp hơn. Nhật Bản chuộng các sản phẩm chế biến sâu từ Việt Nam trong khi các đối thủ Ecuador và Ấn Độ trên thị trường Nhật Bản không có được lợi thế này.

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản trong tháng 8 năm nay ghi nhận tăng trưởng 120% đạt hơn 67 triệu USD. Tính tới tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 463 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường này cũng đang đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế khi đồng Yên giảm mạnh, lạm phát tăng cao, ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân. 

H.Mĩ