|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc sẽ vẫn ảm đạm vì Zero COVID và chưa đa dạng phương thức vận chuyển

07:41 | 10/05/2022
Chia sẻ
Đại diện Vinafruit cho rằng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong quý II sẽ khó khởi sắc vì nước này vẫn kiên định với chính sách Zero COVID. Ngoài ra, phương thức logistics của Việt Nam chưa đa dạng, phần lớn theo đường bộ, nếu cửa khẩu tắc, xuất khẩu rau quả ngay lập tức chững lại.

Xuất khẩu vẫn ảm đạm, trái cây có nguy cơ rớt giá

Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt 626 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2021.

 

(Số liệu: Tổng cục Hải quan, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Trao đổi với người viết, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu cho biết: “Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc vẫn rất khó bởi dù hàng hóa đi đường biển vẫn phải kiểm dịch virus SAR-CoV-2 gắt gao. Cùng với đó, cước vận tải tăng, hãng tàu trì hoãn nhiều ngày ảnh hưởng lợi nhuận doanh nghiệp.

Hiện, nhu cầu tiêu thụ thanh long của Trung Quốc giảm tới 60-70% vì chính sách Zero COVID. Do vậy, sản lượng thanh long có nhiều cũng không thể bán hết được”.

Ông Hiệp cho biết hiện giá thanh long đầu vụ ở Bình Thuận đang dao động 7.000 - 15.000 đồng/kg tùy thời điểm và chất lượng và có thể giảm sâu nếu tiếp tục gặp những yếu tố bất lợi từ phía thị trường Trung Quốc.

 Giá thanh long có thể giảm sâu vào chính vụ vì xuất khẩu sang Trung Quốc tắc đường. (Ảnh: Phạm Mơ)

Nói về triển vọng xuất khẩu rau quả quý II, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết cho đến thời điểm này, chính sách Zero COVID của Trung Quốc vẫn chưa có gì thay đổi, quy trình kiểm soát COVID-19 trên bao bì, sản phẩm, thành container vẫn rất nghiêm ngặt. Do vậy, xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong quý II sẽ tiếp tục ảm đạm.

Đặc biệt, quý II là thời điểm thu hoạch rộ của nhiều loại trái cây như xoài, thanh long, chuối, nhãn, chôm chôm… Riêng các tỉnh Nam Bộ, sản lượng trái cây đã lên tới 1,5 triệu tấn. Đây cũng là điều ông Nguyên lo lắng về tình trạng được mùa rớt giá sẽ tiếp diễn.

“Tình hình tiêu thụ rau quả quý II khá căng khi xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn vướng phải Zero COVID, các thị trường khác như Mỹ, EU tăng trưởng tích cực nhưng sản lượng nhập khẩu còn quá nhỏ so với tổng cung.

Trong khi, sức tiêu thụ trong nước còn yếu, khó có thể cân hết sản lượng trái cây còn lại”, ông Nguyên nói.

Ngoài ra, đại diện Vinafruit cho rằng cung vượt cầu, những loại trái cây có sản lượng lớn, chủ yếu xuất đi Trung Quốc như thanh long, chuối… có thể sẽ bị rớt giá, đặc biệt vào thời điểm chính vụ.

Còn một số loại trái cây có sản lượng nhỏ, xuất khẩu đi Mỹ, EU như sầu riêng sẽ giữ được mức giá bình ổn vì các doanh nghiệp đã bao tiêu và thị trường tiêu thụ tăng nhập khẩu.  

Trao đổi với người viết, bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết giá các loại trái cây phụ thuộc vào các yếu tố như cung - cầu, chất lượng sản phẩm, thị hiếu tiêu dùng.

“Với những mặt hàng như sầu riêng, doanh nghiệp đang bao tiêu cho nhiều vùng nguyên liệu vói mức giá 40.000 đồng/kg. Mức này giúp nông dân lãi gấp đôi so với giá vốn bỏ ra là 18.000 – 20.000 đồng/kg.

Sản phẩm này có thể cấp đông và xuất khẩu đi Mỹ và nhiều nước khác. Nguyên liệu đạt chất lượng thường ít hơn so với nhu cầu nên giá thường ổn định”, bà Vy nói.

Còn những sản phẩm như mít, thanh long, dứa khó chế biến, cung vượt cầu thì việc giá nông sản giảm mạnh là điều dễ hiểu.

“Chưa bàn đến mức giá nào, cửa khẩu không đi được, doanh nghiệp không thể mua được hàng cho nông dân, nông dân vẫn là người chịu thiệt”, đại diện Chánh Thu nói.

Việt Nam vẫn đi sau Thái Lan về logistics

Thực tế, Trung Quốc đều là thị trường chính của trái cây Việt Nam và Thái Lan. Cả hai nước đều phải đối mặt với chính sách Zero COVID nhưng đại diện Vinafuit đánh giá Thái Lan đã có bước tiến tốt hơn Việt Nam về logistics.

Mới đây, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit công bố năm 2022 Thái Lan dự kiến xuất khẩu 530.000 tấn trái cây tươi sang Trung Quốc, chủ yếu theo đường biển, kết hợp với đường bộ và đường hàng không, theo The Nation Thailand.

Cụ thể, Thái Lan sẽ tập trung vào xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc bằng đường biển vì 4 cửa khẩu trên biên giới của Trung Quốc là Mohan, Hữu Nghị Quan, Đông Hưng và Bằng Tường bị đóng cửa do tình hình COVID-19 do chính sách “Zero COVID”.

Theo đó, 390.000 tấn trái cây, tương đương 83% sản lượng sẽ được xuất khẩu bằng đường biển thông qua 5 hãng tàu Cosco, SITC, Yang Ming, Maersk và Wanhai đến 6 cảng Trung Quốc là Shekou (26,5%), Nansha (20%), Hong Kong (20%), Zhanjian (13,5%), Xinzhou (13,5%) và Xiamen (6,5%).

 

Năm 2022, Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 530.000 tấn trái cây tươi sang Trung Quốc. (Ảnh: Image Professional)

Trong khi đó, 36.000 tấn, tương đương 6,5% sản lượng sẽ được xuất khẩu bằng đường hàng không thông qua Thai Airways International, Thai Lion Air, AirAsia X và China Southern Airlines đến 3 sân bay của Trung Quốc là Quảng Châu (80%), Thâm Quyến (13%) và Côn Minh (7%).

Còn lại 10,5% sản lượng sẽ được xuất khẩu bằng đường bộ qua 4 cửa khẩu. Nếu bất kỳ cửa khẩu nào bị đóng cửa, Bộ Ngoại giao cũng như các đại diện thương mại và nông nghiệp của Thái Lan có trách nhiệm đàm phán với Trung Quốc để mở lại càng sớm càng tốt.

Ông Đặng Phúc Nguyên đánh giá Chính phủ Thái Lan khá quan tâm đến vấn đề logistics.

“Nếu đường bộ có vấn đề, họ sẽ đi đường biển, tàu hỏa qua Lào, thậm chí nước này còn đầu tư chuyên cơ, một tháng có thể chở 30-50 chuyến trái cây sang Trung Quốc.

Còn tại Việt Nam, trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu theo đường bộ, cửa khẩu tắc là không xuất khẩu được”, ông Nguyên nói.

Tại tọa đàm “Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam Bộ", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cho biết chỉ cần nhìn vào cách ngành rau quả Thái Lan thích ứng với chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc là biết nước này ít bị ảnh hưởng, theo báo Người Lao động.

“Họ tìm cách đáp ứng được quy định để kiểm soát COVID-19 trong chuỗi sản xuất trái cây trong khi Việt Nam chỉ có thể hy vọng đàm phán để Trung Quốc nới lỏng quy định.

Doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất để thích ứng với những thay đổi của thị trường, đừng để khi cửa khẩu với Trung Quốc thông thì mọi việc lại quay về như cũ", Bộ trưởng nói.

Phạm Mơ