Xuất khẩu gạo năm 2016 khó đạt 5,4 triệu tấn
Thị trường xuất khẩu khó khăn cho nên mục tiêu xuất khẩu đã điều chỉnh giảm xuống 5,4 triệu tấn năm 2016 cũng sẽ khó có khả năng hoàn thành, theo ông Lê Minh Trượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).
Tại hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2016 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2016-2017 vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” được tổ chức ở Hậu Giang hôm nay 5-10, ông Trượng cho biết theo kế hoạch của Chính phủ, xuất khẩu gạo chính ngạch năm 2016 đặt mục tiêu đạt 6,5 triệu tấn và đây cũng là mục tiêu được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thống nhất thông qua hồi đầu năm 2016.
Xuất khẩu gạo cả năm 2016 khó đạt mục tiêu 5,4 triệu tấn. Trong ảnh là nông dân đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh |
Tuy nhiên, theo ông Trượng, sau khi VFA đánh giá lại diễn biến của thị trường, thì mục tiêu kế hoạch xuất khẩu cho năm 2016 đã được điều chỉnh giảm xuống gần 20%, chỉ còn 5,4 triệu tấn. “Nhưng, theo đánh giá gần đây nhất tại cuộc họp Ban chấp hành VFA, thì dự kiến cả năm 2016 sẽ không đạt được kế hoạch 5,4 triệu tấn”, ông Trượng cho biết.
Theo ông Trượng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu ở năm 2016, nhưng cơ bản nhất vẫn là do gạo Việt Nam không có thương hiệu, chất lượng thấp, giá thành cao nên chưa thể cạnh tranh được ở một số thị trường.
Thực tế, theo ông, thời gian qua gạo Việt Nam liên tục bị thị trường Mỹ trả về do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên đã làm khối lượng gạo xuất khẩu sụt giảm so với các năm trước.
Trước đó, tại hội thảo “Góp ý dự thảo thể lệ, quy chế cuộc thi sáng tác logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam” được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ hôm 30-9, ông Vũ Quang Cảnh, Phó phòng nông sản thực phẩm thuộc Vinafood 2 dẫn thống kê của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), cho biết tính từ năm 2012 đến tháng 8-2016, đã có tổng cộng 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam bán sang thị trường Mỹ bị trả về với tổng số 412 container gạo, trong đó có một vài công ty thành viên của Vinafood 2.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), cho biết nếu tính chung cả ở thị trường Mỹ và Bắc Âu, thì số lượng gạo Việt Nam bị trả về do “vướng” dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là khoảng 500 container, tương đương với khối lượng khoảng 10.000 tấn.
Không chỉ ở thị trường cao cấp, theo ông Trượng, ở một số thị trường không đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, thì khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam cũng đang bị “lép vế” trước một số quốc gia xuất khẩu gạo khác như Thái Lan, Pakistan. “Nhìn chung, thị trường gạo đang có sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu; gạo 5% tấm của chúng ta có giá tương đương 335 đô la Mỹ/tấn, nhưng gạo Pakistan chỉ khoảng 320 đô la Mỹ/tấn, do vậy, Trung Quốc đã chuyển mua từ gạo Việt Nam sang gạo Pakistan”, ông Trượng dẫn chứng.
Theo ông Trượng, những nguyên nhân như đã nêu ở trên đã làm tiêu thụ gạo Việt Nam giảm dần ở các thị trường xuất khẩu.
Thực tế, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong chín tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 3,76 triệu tấn với kim ngạch đạt 1,69 tỉ đô la Mỹ, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý ở đây, theo ông Cảnh, đó là xuất khẩu gạo dự kiến sẽ còn tiếp tục khó khăn cho đến những tháng đầu năm 2017, chứ không chỉ riêng trong năm nay.
Theo Trung Chánh